(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngay sau khi Bộ Tài chính Hoa kỳ xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, giới chuyên môn, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam… đều cho rằng, cần có những đánh giá rõ ràng hơn khi đưa ra quyết định xem đối tác có thao túng tiền tệ hay không. Bởi lẽ, sự tăng trưởng gần đây trong xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ được thúc đẩy chủ yếu bởi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, theo đó, Việt Nam và Thuỵ Sỹ được Bộ Tài chính Mỹ xác định là nước thao túng tiền tệ. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đưa vào Danh sách giám sát 10 nền kinh tế: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.
Đây là lần thứ ba, chính quyền Hoa Kỳ gắn nhãn thao túng tiền tệ lên một quốc gia. Lần đầu là vào năm 1994 và lần thứ hai là vào năm 2019 đối với Trung Quốc. Sau đó, Mỹ đã không còn xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ nữa nhưng Bộ Tài chính Hoa Kỳ vẫn xếp đồng CNY vào danh sách các đồng tiền cần phải theo dõi.
Gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam chỉ mang tính chủ quan và đơn phương của Hoa Kỳ
Để bị dán nhãn thao túng tiền tệ, trong giai đoạn báo cáo, các quốc gia ít nhất vi phạm ba tiêu chí (do Mỹ đơn phương đặt ra), gồm: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trong giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Đối với Việt Nam, trong các báo cáo bán niên (từ tháng 5/2019 đến tháng 6/2020), Việt Nam đã 2 lần bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa vào danh sách giám sát. Đến ngày 16/12/2020 (tại Báo cáo tháng 12/2020 cho đợt rà soát từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020), Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ bởi cho rằng Việt Nam đã đạt và vượt ngưỡng cả 3 tiêu chí nêu trên.
Bình luận và làm rõ hơn về quan điểm điều hành chính sách tỷ giá tại Việt Nam, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, việc điều hành tỷ giá những năm qua của NHNN trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Nhờ chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt cùng với chính sách tài khóa thận trọng (kiểm soát nợ cộng và thâm hụt ngân sách) đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn 2016- 2020.
Trái với nhận định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thực tế trong 3 năm (2017-2019), giá trị thực của VND theo tính toán của TS.Cấn Văn Lực và các cộng sự tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chỉ tăng khoảng 2,6%. Bên cạnh đó, việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối (vốn ở mức thấp) so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, chứ không phải là tạo lợi thế thương mại.
Từ các phân tích trên, TS.Cấn Văn Lực cho rằng: “Việc gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ là một việc làm mang tính chủ quan, đơn phương từ phía Bộ Tài chính Mỹ, chưa nhìn nhận đa chiều và chưa xét đến đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (như WB, IMF) đối với Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển nhanh, độ mở cao và cần thiết phải có các công cụ (phù hợp thông lệ quốc tế) cho phát triển kinh tế bền vững, an toàn, có khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài”.
Cùng chung quan điểm ông Đôn Tuấn Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chính sách của Việt Nam là không sử dụng ngoại tệ để thanh toán trong nước, cũng sẽ là một yếu tố để các cơ quan chức năng của hai nước phải xem xét một cách kỹ hơn khi ra một kết luận liên quan đến chính sách”.
Bên cạnh đó, với việc NHNN triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý, thị trường vàng trong nước giai đoạn 2016 - 2020 có diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt. Nhiều thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh, khó lường, giá vàng trong nước mặc dù điều chỉnh theo giá vàng thế giới nhưng tốc độ chậm hơn, thị trường không xuất hiện các cơn “sốt vàng”, giao dịch trầm lắng, doanh số mua, bán vàng miếng ở mức thấp. Tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế tiếp tục được hạn chế, một phần nguồn vốn bằng vàng được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, có thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ ra thị trường quốc tế để thu về ngoại tệ cho nền kinh tế.
Nhờ các giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp giúp chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, cùng với đó là các biện pháp hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nước và các biện pháp khác (điều hành chính sách tiền tệ, điều hành lãi suất, tỷ giá theo hướng tăng tính hấp dẫn của đồng Việt Nam, thu hút ngoại tệ vào hệ thống TCTD...), góp phần tăng niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam, hạn chế những tác động tiêu cực đến cung cầu ngoại tệ và chính sách tỷ giá, tiền tệ trong nước.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi từ các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam
Bình luận thêm về việc Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ trên góc độ quan hệ thương mại giữa hai nước, ông Đôn Tuấn Phong cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ có lẽ cần phải làm việc lại với nhau kỹ hơn để nhìn nhận lại vấn đề. Bởi lẽ, sau 25 năm bình thường hóa, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tăng lên rất nhanh. Do đó, cần phải nhìn vào cơ cấu thương mại giữa hai quốc gia để có những đánh giá rõ ràng hơn khi đưa ra quyết định xem đối tác có thao túng tiền tệ hay không.
“Chúng tôi thấy rằng, cơ cấu thương mại giữa hai nước đã và đang bổ sung cho nhau rất rõ, không phải cạnh tranh trực tiếp. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ thì các doanh nghiệp của Hoa Kỳ có khi lại hưởng lợi nhiều hơn”, ông Đôn Tuấn Phong chia sẻ.
Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì năng lực cạnh tranh cũng được nhìn nhận khác rất nhiều so với bối cảnh bình thường. Ở nhiều khía cạnh, với ứng phó của Việt Nam đối với đại dịch COVID-19 thì sức cạnh tranh của Việt Nam có lẽ đã được nâng lên khi so sánh một cách tương đối với các nền kinh tế khác. Từ thực tế thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và tăng trưởng kinh tế đã góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đầu tư nước ngoài khá lớn.
Trên thực tế, quyết định gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cụ thể, trong tuyên bố vừa phát đi, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội cho rằng, sự tăng trưởng gần đây trong xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ được thúc đẩy chủ yếu bởi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Do vậy, AmCham tại Việt Nam thúc giục Chính quyền Tổng thống Trump cần coi xu hướng này là: “Bằng chứng về sự thành công trong việc thực hiện chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Cũng trong tuyên bố trên, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham nhấn mạnh: “Việc thao túng tiền tệ không phải là vấn đề đối với các thành viên của chúng tôi và bất kỳ hành động tiềm tàng nào trong những ngày cuối cùng của chính quyền hiện nay nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam bằng các mức thuế trừng phạt sẽ làm tổn hại đến quan hệ đối tác chặt chẽ mà hai nước đã phát triển trong nhiều năm qua. Thuế quan hoặc các biện pháp trả đũa khác có thể có tác động đến hoạt động của các công ty Mỹ đang kinh doanh tại Việt Nam”.
“Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi tin tưởng vào cách tiếp cận hợp tác và chúng tôi muốn chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên các nỗ lực của mình đối với các vấn đề cấp bách hơn mà các thành viên của chúng tôi phải đối mặt. Đơn cử như các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hải quan và thuế…”, ông Adam Sitkoff chia sẻ.
Mặc dù vậy, để tránh bị gắn mác thao túng tiền tệ, ông Adam Sitkoff đưa ra lời khuyên: Việt Nam cần giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ thông qua việc mở cửa thị trường cho nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn. Từ đó, Việt Nam có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ theo hướng có lợi cho cả hai nước.
Điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại Ngay sau khi Việt Nam bị dán nhãn thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã lên tiếng khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. NHNN khẳng định: Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ. NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. |