Thứ Hai, 26/5/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đánh giá vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Đại hội cũng đã xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân để tiếp tục nâng tầm vị thế quốc gia.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam từ thời lập nước
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời vào ngày 2/9/1945.
Trong Lời kêu gọi Liên Hợp Quốc (12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”[1].
Trả lời nhà báo Mỹ S.Elie Massie, hãng International News Service, vào tháng 9/1949 về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chủ trương “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[2].
Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Trung ương Đảng ta sang Trung Quốc rồi sang Liên Xô. Thông qua đó, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ Liên Xô, các nước dân chủ Nhân dân ở châu Á, Đông Âu đã lần lượt công nhận Chính phủ ta và giúp đỡ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của Nhân dân ta.
Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”[3].
Ngày 23/6/1955, trong lời phát biểu khi thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trải qua mấy mươi nǎm bị đau khổ vì sự áp bức của bọn thực dân, Nhân dân Việt Nam đã và đang tiến hành đấu tranh anh dũng. Với sự cố gắng bền bỉ và với ý chí bất khuất để giành lấy hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ ở Việt Nam, Nhân dân Việt Nam vĩnh viễn không để cho bất cứ kẻ nào xâm lược nước mình, đồng thời cũng vĩnh viễn không xâm lược nước khác.
Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ tất cả những cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ hoà bình thế giới.
Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hoà bình toàn thế giới”[4].
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), đất nước ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và của Nhân dân yêu chuộng chính nghĩa khắp thế giới – kể cả Nhân dân tiến bộ Mỹ.
Trên Báo Nhân Dân số 3992 (ngày 8/3/1965), trong bài viết “Sách trắng” của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ và lũ tay sai gây chiến tranh phi nghĩa chống lại toàn dân ta, cho nên chúng nhất định thất bại. Buộc phải chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc mình, Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi. Nhất định thắng lợi vì chúng ta có chính nghĩa; vì chúng ta đoàn kết một lòng, kiên quyết kháng chiến; vì chúng ta được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của Nhân dân yêu chuộng chính nghĩa khắp thế giới – kể cả Nhân dân tiến bộ Mỹ”.
Ngày 1/1/1966, trong bức thư chúc mừng Nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình, nhưng hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thực sự”[5].
Ngày 12/1/1967, khi tiếp đoàn nhà báo Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”[6].
Trong lá thư viết trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong trong độc lập và tự do thực sự”[7].
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của dân tộc ta thắng lợi là do toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng để giữ gìn nền độc lập của dân tộc, thực hiện thống nhất đất nước, xây đắp nền thái bình muôn thuở và đưa đất nước tiến lên hùng cường.
Trải qua một hành trình dài, hai nước Việt Nam - Mỹ gác lại quá khứ và mở ra những chương mới trong lịch sử ngoại giao của hai nước.
Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/7/1995. Ngay trong tháng 8/1995, hai nước khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội. Các chuyến thăm sau đó của lãnh đạo cấp cao hai nước tới Việt Nam và Mỹ thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển mạnh mẽ.
Năm 2013, hai nước Việt Nam – Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện. Quan hệ Việt Nam – Mỹ sau đó đã đạt những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Năm 2023, hai nước Việt Nam – Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường. Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm lợi ích của Nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Riêng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với Mỹ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Trong năm 2024, Việt Nam nhập khẩu khoảng 15,1 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, tiếp tục duy trì thặng dư thương mại lớn với đối tác quan trọng này.
Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại để đưa đất nước tiến lên!
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã nêu rõ những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng. Cương lĩnh xác dịnh đất nước ta có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Về đối ngoại Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng đã xác định rõ chủ trương quan hệ đối ngoại của Đảng ta là: Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Đồng thời, Đảng ta cũng thường xuyên tham gia các diễn đàn đa phương chính đảng như: Cuộc gặp quốc tế của các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP); Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP); Diễn đàn Sao Paulo của các đảng cánh tả (SPF)...
Về ngoại giao nhà nước, vào ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Về đối ngoại Nhân dân, ngày 19/11/1950, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam - tổ chức đối ngoại Nhân dân đa phương đầu tiên của Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã được thành lập tại chiến khu Việt Bắc.
Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thêm bạn bớt thù, đoàn kết vì lợi ích chân chính của Nhân dân ta và Nhân dân thế giới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng với các lực lượng làm công tác đối ngoại Nhân dân của cả nước đã có những đóng góp to lớn trong việc huy động Nhân dân thế giới ủng hộ Nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; phá bao vây, cấm vận và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; góp phần củng cố hoà bình, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa Nhân dân Việt Nam với Nhân dân các nước trên thế giới.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã khẳng định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”[8].
Hiện nay, đất nước ta đang chuẩn bị tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu là kỷ nguyên mới là xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 470
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 256
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 311
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 12
[5] Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, “Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước hội nghị Pari”, Viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 1990, tr. 158
[6] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, “Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử”, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 11-12
[7] Hồ Chí Minh,:Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 448
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 162