Chủ tịch Quốc hội: Tháo gỡ, giải quyết, tạo điều kiện phát triển cho Ninh Thuận

T.H| 07/11/2021 14:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, chiều ngày 6/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh phối hợp với các cơ quan sớm tiến hành sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội để đánh giá kết quả đạt được, những điểm chưa thực hiện, khó khăn, vướng mắc... tìm cách tháo gỡ, giải quyết, tạo điều kiện phát triển cho Ninh Thuận.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận

Chiều ngày 6/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chủ trương của Trung ương, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây quyết sách quan trọng, đúng đắn và kịp thời. Để thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 và theo chủ trương chung, Chính phủ đã có Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023. Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ được Trung ương đánh giá là một Nghị quyết thiết thực, đã đi vào cuộc sống với các chính sách cụ thể. Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhờ nỗ lực của tỉnh với chủ trương chung theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã có những khởi sắc, phát triển tương đối toàn diện, thu ngân sách tăng, đời sống người dân được cải thiện.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sau khi Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam khẳng định đây là 2 Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Tỉnh trên nhiều mặt.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã đạt kết quả bước đầu, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn, chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá, nhiều dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa được triển khai thực hiện tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh; các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các dự án động lực thay thế được nhận diện đánh giá sâu kỹ hơn, thu hút được nhiều sự quan tâm và bước đầu khai thác hiệu quả, đã góp phần quan trọng thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

 Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng đã nêu các đề xuất, kiến nghị để tạo điều kiện cho Tỉnh giải quyết các khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự ản điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 01/01/2021 và cho chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/03/2022.

Đề xuất cho phép tỉnh Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các dự án quan trọng, cấp bách và hỗ trợ 100% vốn đối ứng phần cấp phát theo tinh thần Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.

Ninh Thuận cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương sớm tham mưu điều chỉnh Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển Điện hạt nhân giai đoạn 2030 để làm cơ sở hủy bỏ các quyết định phê duyệt Quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân 1 và 2. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa nội dung đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải thuộc Đề án thành tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí đặc thù đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 để có cơ sở hỗ trợ vốn thực hiện Đề án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để tỉnh triển khai thực hiện Đề án theo tinh thần Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 07/4/2021 của Văn phòng Chính phủ

Đồng thời, đề nghị xem xét thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân bằng nguồn điện khí LNG và cập nhật, bổ sung Nhà máy điện LNG Cà Ná 2.1 và 2.2 thuộc Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná vào Quy hoạch điện VIII, làm cơ sở để tỉnh lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh, từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ.

Để Ninh Thuận tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao. Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi. Hỗ trợ việc chế biến, bảo quản nông sản. Hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển xa.

Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành năng lượng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp như Du Long và Phước Nam. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung phát triển các đô thị ven biển.

Tiếp tục duy trì các động lực tăng tưởng như các chính sách về kích cầu tiêu dùng nội địa, quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA; tiết kiệm các khoản chi, cắt giảm chi thường xuyên. Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch tỉnh làm cơ sở thu hút đầu tư. Phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống, các hoạt động của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển, chênh lệch mức sống, tỷ lệ hộ nghèo giữa vùng cao và đồng bằng. Tăng cường liên kết vùng, các địa phương trong vùng, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.

Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14. Do đó, đề nghị tỉnh chủ động và cùng với các Ủy ban của Quốc hội có đánh giá căn cơ những kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện, từ đó xem xét đề xuất có cơ chế chính sách phù hợp.

Trên cơ sở kết quả cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tham mưu, có văn bản gửi các cơ quan về chủ trương tiến hành sơ kết Nghị quyết số 31/2016/QH14, đồng thời có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền đối với các vướng mắc mà tỉnh Ninh Thuận báo cáo; trường hợp cần thiết và vượt quá thẩm quyền, Chính phủ cần sớm báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: Tháo gỡ, giải quyết, tạo điều kiện phát triển cho Ninh Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO