(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) và Chủ tịch Quốc hội Phần Lan; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5-11/9/2021.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Chuyến công tác tới châu Âu dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn cấp cao Quốc hội nước ta diễn ra khi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị lớn như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước.
Về kinh tế, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành công trong thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 vừa duy trì phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Về đối ngoại, Việt Nam tiếp tục củng cố, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, tham gia tích cực và hiệu quả tại các cơ chế đa phương trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện và đối thoại nhân dân. Cùng với nhiều nước, bên cạnh hình thức trực tuyến, nhiều hoạt động đối ngoại đã bắt đầu được triển khai, khẳng định sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong các quan hệ song phương và đa phương.
Chuyến công tác tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới một lần nữa khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, tích cực và tham gia có trách nhiệm của hoạt động ngoại giao nghị viện của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ịch quốc gia, dân tộc. Chuyến đi cũng kế thừa truyền thống đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội nước ta qua các thời kỳ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trên bình diện đa phương và song phương.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 được tổ chức trực tiếp tại Cộng hòa Áo trong bối cảnh thế giới và các nước châu Âu bắt đầu hồi phục sau đại dịch COVID-19. Hội nghị lần này có ý nghĩa rất đặc biệt đối với sự phát triển của ngoại giao nghị viện, củng cố vai trò của IPU, làm sống động và nâng tầm ngoại giao đa phương sau một thời gian dài khó khăn vì đại dịch và xu hướng chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế.
Chính vì tầm quan trọng của Hội nghị này, mà đã có 114 Chủ tịch Quốc hội trên thế giới đăng ký tham dự… Ngoài ra còn có 10 nước quan sát viên và 7 nước thành viên liên kết đăng ký tham gia Hội nghị, trong đó nhiều nước có vai trò quan trọng trong khu vực và diễn đàn quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Ý, Canada...
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là hoạt động nghị viện đa phương cấp cao nhất, do IPU phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, theo cơ chế 5 năm 1 lần. Chương trình nghị sự của Hội nghị là những nội dung bao trùm, có tính thời sự và cấp thiết trên toàn cầu.
Hội nghị thể hiện cao nhất ý chí chính trị, cam kết hành động của những người đứng đầu các cơ quan lập pháp trên thế giới với Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế. Từ đó để cùng chung tay giải quyết các thách thức vì hòa bình, an ninh, phát triển bền vững, luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới luôn thu hút sự tham dự đông đảo của các Chủ tịch Quốc hội trên toàn thế giới, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch, Tổng Thư ký IPU và lãnh đạo nhiều nước trên thế giới.
Từ "Tuyên bố Thiên niên kỷ" của Hội nghị lần thứ nhất năm 200 về “Tầm nhìn nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm thiên niên kỷ thứ ba” tới các Tuyên bố cấp cao của 4 Hội nghị được tổ chức trực tuyến năm 2005, 2010, 2015 và phần 1 của Hội nghị lần thứ 5 được tổ chức trực tuyến năm 2020 thể hiện ý nghĩa và những đóng góp quan trọng của Hội nghị trong đời sống chính trị quốc tế, mở ra sự phát triển mạnh mẽ của các cơ chế hợp tác giữa IPU và Liên hợp quốc, đồng thời minh chứng cho sức sống của chủ nghĩa đại nghị và hợp tác liên nghị viện đa phương trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều biến động. Hội nghị còn là dấu ấn cho sự trở lại của ngoại giao nghị viện đa phương truyền thống, thể hiện quyết tâm của Hội đồng Quốc gia Áo và Nghị viện các nước châu Âu đem lại sức sống mới, khôi phục niềm tin của người dân châu Âu với chính sách và sự phát triển của EU, đồng thời gắn kết quan hệ trên kênh nghị viện giữa các quốc gia trên thế giới.
Tại hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự Lễ khai mạc; tham dự và có bài phát biểu tại phiên thảo luận chung của Hội nghị “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn, nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất”; tham dự và phát biểu trực tiếp tại một số phiên thảo luận chuyên đề khác. Các chuyên đề được lựa chọn tại diễn đàn lần này là “Hướng tới một hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới”, “Giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19”, “Phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”, “Cân bằng mối quan hệ giữa cởi mở, minh bạch và khả năng tiếp cận của nghị viện và vấn đề an ninh”, “Nghị viện và quản trị toàn cầu tăng cường vai trò của Nghị viện đối với hoạt động của Liên hợp quốc”. Hội nghị cũng sẽ thông qua Tuyên bố cấp cao về chủ đề chung của Hội nghị lần này.
Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới tại Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với Lãnh đạo IPU, một số Chủ tịch Nghị viện các nước tham dự Hội nghị; Chủ tịch Hội đồng quốc gia Áo, đại diện các tổ chức quốc tế, gặp gỡ các doanh nghiệp Áo đang có dự án hợp tác hoặc có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các thành viên chính chức trong đoàn cấp cao của Quốc hội là Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ trưởng sẽ có các cuộc gặp với các đối tác để cùng trao đổi những biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, ủng hộ việc phê chuẩn EVIPA.