(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau thông điệp rõ ràng từ cuộc họp và quan điểm của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 4/5/2022, thị trường chứng khoán Mỹ đã bật tăng.
Kết thúc cuộc họp hai ngày 3-4/5/2022, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,5%, đồng thời thông báo kế hoạch giảm 9.000 tỷ USD trong bảng cân đối tài sản (bắt đầu từ tháng 6 tới đây), nhằm kiềm chế lạm phát vốn đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Với quyết định này, lãi suất cho vay qua đêm được điều chỉnh từ biên độ 0,25-0,5% hiện hành lên 0,75-1,0%, ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ năm 2000, trong khi Fed thường chỉ tăng (hoặc giảm) 0,25% trong mỗi đợt điều chỉnh.
Đồng thời, quyết định thu hẹp chương trình mua trái phiếu và chứng khoán cầm cố tới 9.000 tỷ USD đánh dấu động thái quyết liệt của Fed trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Jerome H. Powell đã dành thời gian trao đổi với các phóng viên và nhà đầu tư nhằm trấn an thị trường. Trong đó, một thông tin quan trọng được chia sẻ là Fed có thể cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,5% tại cuộc họp tới đây (diễn ra vào tháng 6) nếu tình hình kinh tế diễn ra như kỳ vọng, không tăng 0,75% như nhận định của một số chuyên gia và nhà đầu tư.
Trong quý I/2022, kinh tế Mỹ đã thu hẹp xuống mức tăng trưởng -0,4%, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tiêu dùng vẫn tăng 0,7%, phản ánh diễn biến trên thị trường trong và ngoài nước. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, kinh tế Mỹ vẫn bền vững, mặc dù suy giảm trong quý I vừa qua. Nguyên nhân là do cuộc chiến tại Ukraina đã hỗ trợ tăng lạm phát vốn đã leo thang từ năm 2021, khi kinh tế thế giới phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19.
|
Với thông điệp rõ ràng từ cuộc họp và quan điểm của Fed, thị trường chứng khoán Mỹ đã bật tăng trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 934,27 điểm (2,8%) lên 34.061,06 điểm, ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2020; chỉ số S&P 500 tăng 124,69 điểm (3,0%) lên 4.300,17 điểm, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2020; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 401,10 điểm (3,2%) lên 12.964,86 điểm.
Trước đó, cả ba chỉ số này và nhiều cổ phiếu khác đều giảm vào đầu phiên do lo ngại, Fed sẽ đẩy nhanh tiến độ thắt chặt tiền tệ cả về thời gian và tần suất trong mỗi đợt điều chỉnh. Một số nhà đầu tư lo ngại, quyết định thắt chặt tiền tệ quá giới hạn sẽ cản trở thị trường; số khác lo ngại, tăng lãi suất quá nhanh để kiềm chế lạm phát, sẽ đẩy kinh tế Mỹ chìm sâu vào suy thoái.
Sau khi tăng trong buổi sáng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt giảm. Trong đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 2,925% từ tỷ lệ 2,975% trong phiên giao dịch trước đó.
Trên thị trường phố Wall, chỉ số USD (trong giỏ 16 đồng tiền chủ chốt) giảm gần 1,0% xuống 94,85 điểm. Trong đó, EUR tăng 0,92% từ 1,052 USD trong phiên giao dịch trước đó lên 1,06 USD. Tương tự, USD cũng giảm nhẹ so với GBP và JPY. Khi USD giảm, giá vàng tăng trở lại lên 1,884,20 USD/oz, tăng 0,7% từ mức giá 1.874,50 USD/oz trước khi kết thúc cuộc họp của Fed.
Tại châu Á, tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư đã khiến hầu hết các thị trường chứng khoán đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5 đều chìm trong sắc đỏ. Từ đầu phiên giao dịch ngày 5/5, thị trường bắt đầu tăng điểm trở lại theo diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số MSCI châu Á (không tính Nhật Bản) tăng 0,5%.
Nguồn: Fed, WS. Journal