Nhà đầu tư đồng thời phản ứng tích cực với thông tin FED sẽ tạm hoãn các chính sách kiểm soát chặt chẽ với các thị trường tài chính.
Phiên giao dịch ngày thứ Tư (ngày 1/5), chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng điểm sau khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) loại bỏ khả năng FED nâng lãi suất cơ bản đồng USD.
Những nỗi lo của nhà đầu tư về khả năng FED mất khả năng kiểm soát lạm phát đã có thể được loại bỏ. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500, chỉ số chính của thị trường, giảm điểm khi mà cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất chip đồng loạt giảm điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 87,37 điểm tương đương 0,23% lên 37.903,29 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,34% xuống 5.018,39 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 0,33% xuống 15.605,48 điểm.
Phiên ngày thứ Tư, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến nhiều trồi sụt. Chỉ số Dow Jones đã có lúc tăng điểm 530 điểm nhờ tuyên bố của chủ tịch FED. Cùng thời điểm đó, chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, chỉ số Nasda tăng hơn 1,7%.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đã lựa chọn giữ lãi suất ở mức ổn định bởi nói đến việc chưa có nhiều chuyển biến thực sự trong quá trình kiểm soát và đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%. Tuy nhiên, ông Powell cũng bác bỏ khả năng nâng lãi suất trong cuộc họp lần tới.
Nhà đầu tư đồng thời phản ứng tích cực với thông tin FED sẽ tạm hoãn các chính sách kiểm soát chặt chẽ với các thị trường tài chính.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại tổ chức Carson, ông Sonu Varghese, nhận xét: “Việc lạm phát duy trì ở ngưỡng cao cũng đồng nghĩa chúng ta sẽ không sớm chứng kiến các đợt hạ lãi suất”.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm rơi xuống dưới ngưỡng 4,6% sau tuyên bố của ông Powell. Điều này giúp làm giảm nỗi lo của nhà đầu tư về khả năng lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ sẽ lên vượt mức 5% gây tổn hại đến nền kinh tế.
Các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo diễn biến trái chiều thị trường trong phiên ngày thứ Tư, sau khi thông tin tiêu cực liên quan đến các doanh nghiệp AI được công bố. Cổ phiếu doanh nghiệp AMD hạ đến 8,9% sau khi công bố ước tính doanh thu quý hiện tại thấp hơn so với kỳ vọng. Cổ phiếu Super Micro Computer hạ đến 14% sau khi công bố doanh thu thấp hơn kỳ vọng.
Thị trường chứng khoán phố Wall đã có một tháng giảm điểm sâu. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq hạ hơn 4% giá trị. Chỉ số Dow Jones hạ 5% và có tháng giảm sâu nhất tính tháng 9/2022.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2024. IMF khẳng định quan điểm lạc quan về tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, đồng thời IMF cho rằng Trung Quốc cần đưa ra thêm gói kích thích kinh tế.
IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong năm nay, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với thời điểm 6 tháng trước. IMF không thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2025.
“Triển vọng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đã sáng hơn. IMF giờ đây dự báo rằng kinh tế khu vực sẽ chững lại ít hơn so với kỳ vọng trước đây bởi áp lực lạm phát đang giảm đi”, giám đốc bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương – bà Krishna Srinivasan phân tích.
Sự điều chỉnh dự báo của IMF với toàn châu Á – Thái Bình Dương có một phần từ việc IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
IMF cho rằng Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới nơi đầu tư công mang đến động lực quan trọng. Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, tổng quy mô GDP ước tính 3,7 nghìn tỷ USD và nhiều khả năng Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF cũng cho rằng tiêu dùng cá nhân sẽ mang đến động lực quan trọng cho các nền kinh tế tại châu Á.