Chương trình Aus4Reform và dấu ấn cải cách để “làm tốt hơn nữa”

Thanh Thanh| 16/11/2022 08:11
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) giai đoạn 2017-2022 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương, chương trình không dừng ở kết quả đã đạt được mà từ đó không ngừng tư duy, kiến nghị những phương thức cải cách để “làm tốt hơn nữa”.

Ngày 15/11, Bộ KH&ĐT và Ban Điều phối Chương trình Aus4Reform phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết “Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform): Kết quả, bài học và định hướng tương lai”.

 

Chương trình Aus4Reform, được Chính phủ Australia tài trợ, nhằm hỗ trợ các cơ quan Việt nam thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình được thực hiện từ tháng 11/2017 tới tháng 11/2022 với số tiền tài trợ 6,5 triệu đô la Úc.

Aus4Reform là chương trình thứ ba trong chuỗi chương trình/dự án hỗ trợ hơn một thập kỷ qua của Chính phủ Australia dành cho cải cách kinh tế Việt Nam bao gồm Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Hậu Gia nhập WTO (2008-2014), Dự án hỗ trợ Tái cơ cấu Kinh tế Nâng cao Năng lực Cạnh tranh Việt Nam (2014-2017) và Chương trình Australia hỗ trợ Cải cách Kinh tế Việt Nam (2017-2022).

Với bốn hợp phần do bốn cơ quan Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM- thuộc Bộ KH&ĐT), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD- thuộc Bộ NN&PTNT), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì thực hiện và một Quỹ linh hoạt nhằm hỗ trợ đối với các vấn đề ưu tiên cấp bách phát sinh trong quá trình triển khai, Chương trình Aus4Reform đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua việc: Tăng cường các nghiên cứu và phân tích các vấn đề liên quan đến cải cách kinh tế của các cơ quan Việt Nam;Tăng cường đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách, công luận, giới học giả và các chính trị gia; Tăng cường quan hệ hợp tác, học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin giữa các cơ quan của Việt Nam và các nước, đặc biệt là các cơ quan của Australia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng trong quá trình triển khai chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Việt Nam đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên cũng gặp phải nhiều thách thức.

Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong quá trình cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt trong việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế và các thực tiễn tốt, tăng cường các đối thoại chính sách trên diện rộng, nâng cao cơ sở bằng chứng ủng hộ cho các cải cách chính sách và thể chế, chuyển hóa một cách hiệu quả thành các vấn đề cải cách quốc gia.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Dự án Tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV) trong giai đoạn 2014-2017 và Chương trình Aus4Reform trong giai đoạn 2017-2022.

“Các kết quả của Chương trình Aus4Reform được sử dụng làm cơ sở thực hiện những cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển khu vực tư nhân, tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế nông thôn và nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp; từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”- Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Cũng theo Thứ trưởng, kết quả của chương trình không dừng ở những gì đã đạt được mà từ đó không ngừng tư duy, kiến nghị những nội dung, phương thức cái cách để “làm tốt hơn nữa”…

Nhấn mạnh 3 đóng góp quan trọng của Chương trình Aus4Reform là: Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm; Góp phần thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế; Góp phần củng cố vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam (thu hút FDI; hợp tác thúc đẩy cải cách cơ cấu ở APEC và ASEAN, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trường CIEM cho rằng Chương trình đã gợi ý một số tư duy về cải cách cơ cấu trong thời gian tới. Đó là: Duy trì cải cách gắn với quá trình phục hồi và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô; Huy động và sử dụng nguồn lực; Không gian cho các hoạt động kinh tế mới; Yêu cầu thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả.

“Các kết quả của Chương trình Aus4Reform được sử dụng làm cơ sở thực hiện những cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển khu vực tư nhân, tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế nông thôn và nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp; từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…”- Đại diện Văn phòng Hỗ trợ Chương trình Aus4Reform nhấn mạnh.

Cùng với quá trình cải cách kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật trên lĩnh vực này rất lớn trong những năm tới. Các kết quả đạt được trong giai đoạn này được kỳ vọng sẽ là cơ sở để xây dựng giai đoạn tiếp theo trong các chương trình hỗ trợ của Australia đối với cải cách kinh tế tại Việt Nam.

Báo cáo của Chương trình Aus4Reform trình bày cho biết, trong giai đoạn 2017-2022, chương trình đã hỗ trợ việc xây dựng các nghị quyết quan trọng (nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh…).

Đồng thời, hỗ trợ việc xây dựng và thẩm tra 8 dự thảo luật và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật; tạo lập thị trường cạnh tranh, minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện có hiệu quả các kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, đề xuất các sửa đổi cơ bản trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao năng lực thực thi trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của cơ quan cạnh tranh.

Chương trình đã thúc đẩy quá trình cơ cấu lại kinh tế nông thôn; giảm thiểu tác động bất lợi của hội nhập kinh tế đối với kinh tế nông thôn; tăng khả năng cạnh tranh của các yếu tố thị trường và nâng cao năng suất lao động và phúc lợi cho các hộ nông thôn tại một số địa phương.

Chương trình Aus4Reform đã tăng cường tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong giám sát và thực hiện các kế hoạch cải cách kinh tế của Chính phủ thông qua việc khảo sát doanh nghiệp, thực hiện các báo cáo góc nhìn của doanh nghiệp khi thực hiện chương trình cải cách môi trường kinh doanh.

Qua đó, báo cáo tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình Aus4Reform và dấu ấn cải cách để “làm tốt hơn nữa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO