Tin tức

Chương trình giám sát 2024: Xây căn bản, lâu dài; chống quyết liệt, triệt để, cấp bách

Minh Nhật 18/11/2023 09:30

Giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách. Cũng như xây dựng pháp luật, công tác giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển.

chuong-trinh-giam-sat-qh.jpg
Toàn cảnh hội nghị sáng 17/11

Đó là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 diễn ra sáng ngày 17/11.

Chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân

Đánh giá khái quát kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, là năm bản lề quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát cũng còn những hạn chế nhất định. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đánh giá, hoạt động giám sát thời gian qua chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân. Hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả; một số hoạt động giám sát chưa có hướng dẫn chi tiết dẫn tới còn khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy nhận định, trong hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của UBTVQH, các cuộc giám sát khảo sát chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội được thực hiện rất nghiêm túc, bài bản, có đổi mới về phương pháp, nâng cao vai trò, trách nhiệm các thành viên Đoàn Giám sát trong suốt quá trình thực hiện hoạt động giám sát. Tuy nhiên, cần quan tâm bố trí cân đối thời gian hợp lý giữa các đợt giám sát và các địa bàn giám sát, tránh chồng chéo địa bàn và thời gian để các thành viên Đoàn Giám sát thuận lợi hơn trong bố trí tham gia .

Về khó khăn, vướng mắc, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, phương thức giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, hoạt động khảo sát thực tế việc thực hiện cụ thể chưa nhiều, một số cuộc giám sát mang tính chuyên môn sâu, phạm vi giám sát rộng nhưng chất lượng còn hạn chế do năng lực và kinh nghiệm của đại biểu và thành viên Đoàn giám sát đối với lĩnh vực được giám sát chưa đáp ứng; công tác tái giám sát còn ít; việc thực hiện kết luận sau giám sát của một số đơn vị còn hạn chế; điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của Đoàn tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Bộ máy tham mưu giúp việc chưa thực sự hợp lý, chức năng tham mưu còn nhiều hạn chế, chưa thực sự sát thực tiễn.

Công tác giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với mục tiêu giám sát phải được triển khai đồng bộ với quá trình triển khai xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, năm 2024, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: “giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách. Cũng như xây dựng pháp luật, công tác “giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển”.

Từ chỉ đạo đó, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp để công tác giám sát thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, để triển khai có hiệu quả giám sát các chuyên đề, các Đoàn giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, các Đoàn giám sát cần tận dụng tối đa các tài liệu, hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung có liên quan đến chuyên đề giám sát, nhất là những nội dung mới được sửa đổi trong các luật vừa được Quốc hội thông qua để tổ chức triển khai có hiệu quả; phát huy kinh nghiệm đổi mới tổ chức các Đoàn giám sát đã thực hiện trong nửa nhiệm kỳ qua để tổ chức hoạt động giám sát phù hợp, khoa học; trong đó, tập trung vào giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, khâu tổ chức thực thi để luật sớm đi vào cuộc sống và được thực hiện nghiêm minh; đồng thời, các kiến nghị giám sát cần được nghiên cứu, chắt lọc sâu sắc, sát với tình hình thực tiễn, bảo đảm khả thi.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng cần tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong triển khai các hoạt động của các Đoàn giám sát; đồng thời, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện xã hội đối với nội dung của các chuyên đề giám sát để phát huy hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội, gắn với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Ngoài ra, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát và tổ chức có liên quan cần bám sát đề cương, kế hoạch để chuẩn bị báo cáo theo đúng yêu cầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Trong quá trình chuẩn bị báo cáo, nếu có khó khăn, vướng mắc, thì cần trao đổi ngay với Thường trực các Đoàn giám sát. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan thống nhất về cách thức tổng hợp, lấy số liệu, bám sát yêu cầu về nội dung trong các đề cương.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân khẳng định, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là thực sự cần thiết.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị sớm tổng kết và xem xét sửa đổi, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới; tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát.

Đồng thời, theo Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Trong đó, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy thì cho rằng để hoạt động giám sát năm 2024 phát huy hiệu quả cao nhất cần tập trung bám sát vào những trọng tâm định hướng của Quốc hội, của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Đoàn ĐBQH và HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hoạt động giám sát.

Cùng với đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong việc điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát kịp thời và hiệu quả, tránh chồng chéo và trùng lắp nội dung, địa bàn giám sát, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chất vấn; tiếp tục rà soát, xây dựng các quy trình để từng bước chuẩn hóa hoạt động giám sát bám sát theo quy định của Luật và hướng dẫn theo Nghị quyết số 594/QH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo bài bản, khoa học, chất lượng, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình giám sát 2024: Xây căn bản, lâu dài; chống quyết liệt, triệt để, cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO