Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên.
Thời gian qua, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu... ngày càng gia tăng.
Cùng với đó, các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam lại đang phải đối mặt với tình trạng nợ công cao. Triển vọng tăng trưởng của các quốc gia này cũng không quá tích cực và điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73.900 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14.100 doanh nghiệp, bình quân mỗi tháng tháng giảm 4.700 doanh nghiệp.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới" vừa qua, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo”.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư. Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ... dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.
Bàn về vấn đề tiếp cận nguồn lực đầu tư, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư, tuy nhiên chúng ta chưa có được doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để bắt tay và đồng hành, tạo sự lan tỏa của nguồn vốn.
Vì vậy, hợp tác các doanh nghiệp trong nước cùng với sự hỗ trợ từ chính sách của cơ quan quản lý góp phần nâng cao năng lực để các doanh nghiệp trong nước trở thành những doanh nghiệp lớn có khả năng song hành với nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó chúng ta mới có thể tiếp cận công nghệ cũng như biến những lợi thế của đầu tư nước ngoài thành lợi thế của mình. Đây là việc cần thiết để tạo ra một nền kinh tế độc lập tự chủ.
"Doanh nghiệp không nên quá trông chờ vào nguồn vốn với lãi suất thấp. Việc tiếp cận vốn thông qua thị trường trái phiếu rất quan trọng và thị trường này cần được cải cách đổi mới. Theo đó, không nên quá thắt chặt, cũng không nên quá nới lỏng. Điều này sẽ hỗ trợ rất tốt nguồn lực cho doanh nghiệp", TS. Hoàng Văn Cường cho biết.
Bên cạnh đó, TS. Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, thể chế có vai trò rất quan trọng nên cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo thay đổi; trong đó, cần đổi mới cơ chế quản lý cho các doanh nghiệp nhà nước.
Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh về định hướng cải cách thể chế vì sự phục hồi và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, Việt Nam cần phải quyết liệt đổi mới tư duy. Trong 3 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…
Song, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng , Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế.
Theo đó, thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng. Tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy nếu xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách với mức trung bình của OECD về các rào cản thương mại và đầu tư, Việt Nam có thể tăng GDP bình quân đầu người thêm 1% sau 1 năm và 7,3% sau 10 năm tiến hành cải cách (so với kịch bản không cải cách).