(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo các chuyên gia, nhà khoa học, việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương để các toà soạn hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức, khó khăn cần giải quyết hợp lý.
PGS.TS. Đinh Văn Hường, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Ngày 13/11, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) và Viện Khoa học Tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) đồng chủ trì tổ chức hội thảo khoa học "Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương". PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông và TS. Trần Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương) đồng chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận về những vấn đề đang được dư luận quan tâm tới quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025 cũng như việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương; cần làm gì để sau sắp xếp, kiện toàn, các toà soạn hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn…
PGS, TS. Vũ Văn Hà, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản |
Theo PGS.TS. Đinh Văn Hường, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong các Quyết định số 1431/QĐ-TTg năm 2018 và Quyết định số 362/QĐ-TTg năm 2019 đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án sắp xếp, lộ trình thực hiện, giải pháp, tổ chức thực hiện… và mỗi cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương cũng như địa phương cũng đã xây dựng Đề án cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngoài thuận lợi, các cơ quan này cũng gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ như ảnh hưởng của quy hoạch tới tâm lý, tình cảm, lợi ích của cán bộ, phóng viên, vấn đề đổi mới tư duy, vấn đề đảm bảo điều kiện về nhân lực, hạ tầng cơ sở vật chất …
PGS.TS Đinh Văn Hường cho rằng, đối với các cơ quan báo chí của Đảng ở Trung ương và địa phương khi sắp xếp, kiện toàn, tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng và đáng lưu tâm khi một thời gian dài được bao cấp. “Quy hoạch lần này là đúng, có nhiều cơ hội mới nhưng phải rất quyết liệt, kiên trì thì mới có thể hiện thực hoá đúng lộ trình quy hoạch này vào thực tế”, PGS.TS Đinh Văn Hường khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm về thực tế quá trình sắp xếp, kiện toàn theo Quy hoạch tại các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương, PGS, TS. Vũ Văn Hà, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và ThS. Phạm Đức Thái, Uỷ viên Ban Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đều cho rằng các công đoạn quy hoạch, sắp xếp đang được tiến hành rất thận trọng tại hai cơ quan này. Mặc dù các cơ quan báo chí khối Đảng ở cả Trung ương và địa phương đều lường trước không ít khó khăn khi tiếp hành sắp xếp, cơ cấu lại theo Quy hoạch nhưng các cơ quan báo chí cũng nhìn nhận rõ đây là một cơ hội để báo chí đổi mới theo mô hình báo chí hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trọng tâm của việc này của Bộ là rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật của các cơ quan báo chí, trước tiên là các tạp chí của tổ chức hội có loại hình điện tử, tránh tình trạng "báo hóa" tạp chí; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho báo chí phát triển.
Theo bà Thủy, một số cơ quan báo chí, tạp chí khi thực hiện sắp xếp, quy hoạch có tài sản vô hình như: Thương hiệu của tên gọi, tên miền của loại hình điện tử, tên miền độc lập của chuyên trang, tìm phương án để duy trì, khai thác, phục vụ xây dựng thương hiệu mới. Các cơ quan báo chí gặp khó khăn ban đầu sau khi thực hiện việc sắp xếp lại, quy hoạch, cộng thêm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19;...
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông |
Bà Thuỷ cho biết thêm, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục tăng cường rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của pháp luật của các cơ quan báo chí sau thực hiện sắp xếp, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển.
Đóng góp tham luận về kinh nghiệm nước ngoài trong việc sắp xếp kiện toàn hệ thống các cơ quan báo chí, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng có nhiều trường hợp chỉ sáp nhập trên danh nghĩa còn hoạt động thực chất vẫn là tách biệt. Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, việc sáp nhập các cơ quan báo Đảng với Đài Phát thanh-Truyền hình ở nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Mặc dù sáp nhập và đổi tên gọi cơ quan báo chí thành "Trung tâm" có vẻ rất to, quy mô nhưng thực tế "đèn nhà ai, nhà nấy rạng" - báo hoạt động riêng, đài hoạt động riêng, thậm chí không hợp nhất về kinh doanh, không có sự tích hợp các nền tảng... Thậm chí, một số Trung tâm Truyền thông thành lập xong một thời gian rồi lại phân chia riêng rẽ trong nội bộ. Bởi báo hoạt động kiểu báo, đài hoạt động kiểu đài duy nhất tên gọi vẫn như cũ.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đánh giá, những ý kiến tham góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tại Hội thảo không chỉ là những kinh nghiệm quý báu mà còn là những cơ sở khoa học rất hữu ích cho quá trình thực hiện sắp xếp, kiện toàn theo Quy hoạch của các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương.
Dự kiến, trong thời gian tới, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo tương tự về những vấn đề đang đặt ra trong quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025.