Chuyên gia “hiến kế” phục hồi kinh tế sau đại dịch

Thanh Hải| 28/09/2021 08:16
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước những hệ lụy nghiêm trọng của dịch COVID-19, giới chuyên môn đã đề xuất một số giải pháp căn cơ, trong đó nhấn mạnh đến việc cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19.

Hình minh họa

Phát biểu tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội, do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 27/9, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19.

Dù có nhiều nỗ lực cải thiện nhưng công tác điều hành, chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập. Các biện pháp phòng chống dịch, các địa phương chưa cân nhắc hài hòa, đồng bộ các quy trình, biện pháp liên quan để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hoạt động lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh đầu ra của nền kinh tế còn khó khăn…

Từ những bất cập đó, TS.Trần Thị Hồng Minh đề xuất 3 giải pháp căn cơ, trong đó nhấn mạnh đến việc cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19, cụ thể:

Giai đoạn 1 (đến quý I/2022): Ưu tiên phòng chống dịch COVID-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 (đến hết 2023): Sau khi kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Cùng chung quan điểm, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đề nghị cần sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có các động lực tăng trưởng mới và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro (giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng,  chuỗi lao động…) nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc  trong quá trình thực hiện.

“Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn. Cụ thể: Mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức; gói hỗ trợ tiền điện; gói hỗ trợ viễn thông...”, TS. Cấn Văn Lực đề nghị.

Với ngành Ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi…

Đề cập đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong làn sóng đại dịch lần thứ tư ở Việt Nam, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đề xuất một số giải pháp trọng tâm, trước mắt để hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể:

Thứ nhất, cần ban hành gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp để gói kích thích ban hành “vừa đủ liều lượng, vừa đúng và trúng đối tượng” để thực thi nhanh vào cuộc sống. Gói kích thích nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, bao gồm: Gia hạn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ; thực hiện miễn, giảm thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh, miễn, giảm các nghĩa vụ đóng góp, chú ý đến khoanh nợ cho các doanh nghiệp bị tác động nặng nề; cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn; thuận lợi hóa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp;

Thứ hai, tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển: Cần đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giá thành vận chuyển, thành lập tổ công tác liên ngành của các bộ và các cơ quan liên quan để rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics; tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với các hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.

Thứ ba, khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế: Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “Hộ chiếu vaccine” cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 để nhanh chóng thí điểm phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế ở các trung tâm du lịch đủ điều kiện về phòng chống dịch: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An...

Thứ tư, bảo toàn hoạt động của các khu công nghiệp: Cần coi các khu công nghiệp là các thành trì cần được bảo vệ và duy trì sản xuất, ngăn chặn để đảm bảo dịch không xâm nhập và lây lan tại các khu công nghiệp và một vài trọng điểm kinh tế. Bảo vệ và duy trì sản xuất các khu công nghiệp là bảo vệ uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phục hồi chuỗi cung ứng để giữ các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số: Dịch bệnh là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng suất lao động và bao trùm lên tất cả lĩnh vực, đẩy nhanh ở các lĩnh vực sát sườn với người dân như các ứng dụng chăm sóc sức khỏe - y tế, các ứng dụng giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia “hiến kế” phục hồi kinh tế sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO