Sự ổn định của nền kinh tế nhiều khả năng được duy trì và cải thiện sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá hối đoái trong những tháng cuối năm nay, tuy nhiên rủi ro là vẫn còn...
Tỷ giá hối đoái đã trở thành tâm điểm từ tháng 3/2024. Theo thống kê của MBS Research, đồng VND đã giảm giá 4,7% so với USD tính từ đầu năm. Diễn biến của đồng VND khá tương đồng với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á.
Mặt khác, theo các chuyên gia sự chênh lệch lãi suất âm giữa Việt Nam và Mỹ là một yếu tố quan trọng. Hoạt động sản xuất tăng cao đã thúc đẩy nhu cầu tăng vọt về USD để thuận tiện cho nhập khẩu nguyên liệu. Hơn nữa, khoảng cách lãi suất khuyến khích các hoạt động đầu cơ như tích trữ ngoại tệ để tận dụng khoảng cách này.
Trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số các biện pháp nhằm giải toả áp lực tỷ giá.
Từ ngày 11/3/2024, kích hoạt kênh đấu giá trái phiếu để chống lại việc đầu cơ tỷ giá, bằng cách giảm lượng VND lưu thông và thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng.
Từ giữa tháng 4/2024, bắt đầu bán USD cho các ngân hàng có số dư ngoại hối âm với mức giá thấp hơn, nhằm mục đích làm giảm lo ngại trên thị trường và làm dịu thanh khoản. Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 5,8 tỷ USD để can thiệp, tương đương khoảng 30% mức tiêu hao (cho vấn đề tỷ giá) của năm 2022.
“Chúng tôi cho rằng sự biến động của tỷ giá chủ yếu là do sức mạnh của USD, được gia tăng bởi sự chênh lệch lãi suất âm so với Mỹ đối với một số đồng tiền”, MBS Research cho biết.
Chuyên gia của MBS phân tích, các yếu tố động lực đã làm cho USD “đặc biệt" mạnh mẽ trên toàn cầu trong 4 tháng đầu năm 2024 đã bắt đầu suy yếu. Dữ liệu lịch sử cho thấy rằng đồng USD có khả năng giảm giá khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản mỗi quý từ quý III/2024 đến năm 2025 (theo nhiều dự báo của thị trường tài chính toàn cầu).
“Chúng tôi tin rằng áp lực lên VND sẽ giảm và dự kiến tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.100 – 25.300 trong quý IV/2024. Sự ổn định của nền kinh tế có khả năng được duy trì và cải thiện sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá hối đoái trong năm 2024”, chuyên gia MBS Research nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, các yếu tố hỗ trợ cho đồng VND bao gồm: Thặng dư thương mại tích cực (khoảng 8,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024), dòng vốn FDI ròng (15,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm) và sự hồi phục của lưu lượng khách du lịch quốc tế (tăng 58% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2024).
Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều rủi ro tiềm tàng khiến áp lực tỷ giá chưa thể hạ nhiệt sớm. VDSC có góc nhìn thận trọng khi cho rằng áp lực về tỷ giá còn dai dẳng. Nguyên nhân là do sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì bởi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao do FED cắt lãi suất chậm hơn và ít hơn các ngân hàng trung ương khác.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia VDSC, nhiều nhà kinh tế cho rằng nếu ông Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ khiến lạm phát tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của FED.
Hơn thế nữa, rủi ro địa chính trị kéo dài dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn và do yếu tố vụ mùa, nhu cầu ngoại tệ (để nhập khẩu hàng hóa) có thể tăng cao trở lại vào cuối quý III/2024, trước khi FED chính thức đảo chiều chính sách lãi suất.