Kết phiên ngày 14/6, mặc dù thị trường chung giảm 21,6 điểm nhưng nhóm cổ phiếu "họ" Viettel vẫn bứt phá mạnh với mức tăng 5-10% và tiếp tục vượt đỉnh lịch sử.
Phiên ngày 14/6, VN-Index bất ngờ xuất hiện nhịp giảm khá mạnh hơn 21 điểm về sát 1.280 điểm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu "họ" Viettel vẫn thu hút mạnh dòng tiền và tiếp tục phá đỉnh lịch sử.
Cổ phiếu có thị giá cao nhất trong nhóm Viettel là CTR của Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction) suýt chút nữa có phiên tăng kịch trần thứ 2 liên tiếp. Kết phiên ngày 14/6, thị giá của CTR vẫn sát trần, ở mức 152.300 đồng/cổ phiếu và tiếp tục phá đỉnh lịch sử. Cổ phiếu CTR đã tăng 16% kể từ đầu tháng 6 và tăng 70% so với đầu năm.
Tương tự, cổ phiếu VGI của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế (Viettel Global) cũng có một phiên bùng nổ với mức tăng 10% và kết phiên ở mức 100.000 đồng/cổ phiếu. Với thị giá này vốn hóa thị trường hiện tại của VGI đạt 304.381 tỷ đồng, tương đương gần 12 tỷ USD, xếp thứ 2 về vốn hóa trên cả 3 sàn, chỉ sau Vietcombank (489.045 tỷ đồng). Cổ phiếu VGI đã liên tục phá đỉnh lịch sử với mức tăng gấp 3 lần chỉ trong 4 tháng gần đây.
Là cổ phiếu bắt đầu cuộc đua tăng giá muộn hơn so với các cổ phiếu khác trong "họ" Viettel nhưng mã VTK của Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Viettel (Viettel Consultancy) cũng đã kịp tăng hơn 190% trong vòng hơn 3 tháng qua. Kết phiên ngày 14/6, cổ phiếu Viettel này tăng 5,3% lên mức 88.900 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, xuất phát sớm hơn và vượt đỉnh lịch sử từ giữa tháng 3 nhưng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) lại không duy trì được phong độ. Phiên ngày 14/6, dù tăng 5,1% lên mức 86.800 đồng/cổ phiếu, thậm chí có lúc tăng kịch trần lên 88.300 đồng/cổ phiếu, song VTP vẫn chưa thể phá đỉnh lịch sử đạt được trước đó. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VTP vẫn ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 50%.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu "họ" Viettel được hỗ trợ không chỉ bởi kết quả kinh doanh khởi sắc mà còn từ những câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp.
Với cổ phiếu CTR của Viettel Construction, SSI Research dự báo cổ phiếu này sẽ được thêm mới vào chỉ số MarketVector Vietnam Local Index do nằm trong top 85% vốn hóa free-float tích lũy của các cổ phiếu thỏa mãn điều kiện. SSI ước tính Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF sẽ mua khoảng 1 triệu cổ phiếu CTR trong kỳ cơ cấu tháng 6 tới đây.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh tích cực của Viettel Construction cũng hỗ trợ tích cực cho đà tăng của cổ phiếu. Theo công bố mới đây, tháng 5 vừa qua, doanh thu của Viettel Construction đạt 998,4 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2023 và lợi nhuận trước thuế đạt 54,1 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ.
Lũy kế 5 tháng đầu năm doanh thu của công ty đạt 4.606 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10% và 5% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Viettel Construction đã hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của năm 2024.
Trong những năm gần đây tỷ lệ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) EBITDA của Viettel Construction luôn đạt mức 2 chữ số. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap cũng dự báo CAGR của Viettel Construction sẽ đạt 31% trong giai đoạn 2023-2026, được dẫn dắt bởi CAGR của mảng hạ tầng cho thuê tăng trưởng 58%.
Tương tự, đà tăng của cổ phiếu VGI cũng được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh chuyển biến tích cực. Trong quý đầu năm 2024, Viettel Global ghi nhận doanh thu đạt 7.907 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.633 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm 2023 - là mức cao nhất kể từ quý III/2022.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa qua, Viettel Global đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 31.746 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.477 tỷ đồng, trong đó mức lợi nhuận tăng 41% so với thực hiện năm trước.
Đáng chú ý, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Viettel Global có khoản lỗ luỹ kế hơn 3.377 tỷ đồng do những khoản thua lỗ nặng giai đoạn trước 2018. Nếu hoàn thành mục tiêu lãi trước thuế 5.477 tỷ đồng, Viettel Global có khả năng sẽ thành công xoá lỗ luỹ kế trong năm 2024 này.
Cổ phiếu VTP của Viettel Post cũng được kỳ vọng lớn nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc. Năm 2023, dù doanh thu thuần của công ty giảm 10% còn 19.588 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng gần 48%, đạt 380 tỷ đồng.
Sang năm 2024, dù tiếp tục đặt tiêu doanh thu "đi lùi" 29% so với năm 2023, đạt 13.847 tỷ đồng nhưng Viettel Post dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ lên 384 tỷ đồng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu trong 5 năm tới, doanh số tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới.
Còn với Viettel Consultancy dù kém tiếng hơn, nhưng báo cáo tài chính kể từ khi niêm yết (2010) đến nay cho thấy, doanh thu của công ty vẫn tăng đều qua các năm và lợi nhuận duy trì phong độ tăng ổn định.
Gần nhất, năm 2023, công ty báo doanh thu đạt kỷ lục gần 283 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch và tăng 32% so với doanh thu thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức cao nhất kể từ khi niêm yết, đạt 26 tỷ đồng, vượt 13,8% kế hoạch và tăng 25,6% so với năm 2022.
Với đà tăng trưởng tốt trong năm 2023, năm 2024, Viettel Consultancy tiếp tục đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu 352 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 36,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 23% và 13% so với năm 2023.