Thứ Tư, 7/5/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Áp lực điều chỉnh khiến VN-Index thu hẹp đáng kể mức tăng về cuối phiên hôm nay (18/4). Tuy vậy, thị trường vẫn giữ được sắc xanh nhờ dòng tiền duy trì sức nóng ở một số nhóm cổ phiếu.
VN-Index nối tiếp quán tính hồi phục và mở cửa bật tăng hơn 11 điểm. Nhóm ngân hàng là điểm sáng khi đồng loạt xanh tạo động lực cho thị trường chung, trong đó nổi bật là SHB trần, VCB, VPB có biên độ tăng trên 2% trong phiên sáng.
Mặc dù nhịp rung lắc vẫn xuất hiện trong phiên do áp lực điều chỉnh từ cổ phiếu trụ như VIC, VHM nhưng sự áp đảo của sắc xanh cùng lực cầu chủ động gia tăng đã giúp VN-Index giữ nhịp cân bằng và tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều. Tuy nhiên, nhịp giảm mạnh chạm giá sàn khá bất ngờ của cổ phiếu VIC trong phiên ATC đã khiến chỉ số chung thu hẹp đáng kể mức tăng trong phiên và kết phiên chỉ tăng nhẹ gần 2 điểm.
Trong nhóm VN30 dù sắc xanh vẫn áp đảo với 20 mã tăng và chỉ 6 mã giảm, nhưng biên độ tăng đều thu hẹp đáng kể, ngoại trừ duy nhất SHB vẫn giữ được sắc tím. Trong khi VIC gia tăng sức ép lớn khi bị xả bán và đóng cửa tại mức giá sàn. SHB đóng cửa tăng 6,6% với thanh khoản kỷ lục lên tới hơn 156,3 triệu đơn vị, dư mua trần 1,75 triệu đơn vị, cùng khối ngoại mua ròng xấp xỉ 6 triệu đơn vị. Các cổ phiếu giữ được sắc xanh khác chỉ tăng trên dưới 2%.
Trái lại, VIC đóng cửa giảm 6,9% với khối lượng khớp lệnh đạt 10,57 triệu đơn vị. VHM giảm 3,2% và khớp 13,5 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch, sàn HOSE có 321 mã tăng và 136 mã giảm, VN-Index tăng 1,87 điểm (+0,15%), lên 1.219,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,07 tỷ đơn vị, giá trị đạt 21.567,2 tỷ đồng, tăng 32,1% về khối lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 692,5 tỷ đồng.
Sàn HNX có 131 mã tăng và 48 mã giảm, HNX-Index tăng 3,52 điểm (+1,68%), lên 213,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 92 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.476,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 20 triệu đơn vị, giá trị đạt 315,3 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 8,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 135 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (+0,85%), lên 91,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,8 triệu đơn vị, giá trị đạt gần 397 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị đạt 25,6 tỷ đồng.
Trong tuần này, VN-Index ghi nhận diễn biến điều chỉnh về vùng 1.200 sau ba phiên hồi phục liên tiếp từ 1.100 lên 1.240. Áp lực chốt lời ngắn hạn bắt đầu gia tăng sau khi nhiều cổ phiếu đã tăng điểm mạnh và chỉ số chung về lại khu vực kháng cự 1.220-1.230, do đó vận động rung lắc là phản ứng kỹ thuật bình thường. Dòng tiền thể hiện sự phân hóa rõ nét khi chuyển dịch giữa các nhóm blue-chips và midcap, và điều này cũng tạo động lực giúp thị trường tìm lại điểm cân bằng. Thanh khoản cũng dần ổn định trở lại sau những biến động mạnh trong tuần trước
Theo CTCK Vietcombank (VCBS), dòng tiền phân hóa cùng xu hướng chốt lời ngắn hạn đã dẫn đến vận động tăng giảm biên độ khoảng 30 điểm của VN-Index trong tuần. Mặc dù vậy, điều tích cực là thị trường đã có tín hiệu kiểm chứng vùng hỗ trợ 1200 thành công và đang tiếp tục kiểm tra cung - cầu ở khu vực kháng cự 1.220-1.230.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chốt lời từng phần các mã đã đạt mục tiêu ngắn hạn và xuất hiện lực cung mạnh; đồng thời duy trì tỉ trọng với những cổ phiếu đang trong xu hướng tăng điểm. Tuần sau vẫn là thời điểm các công ty công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 và họp đại hội đông cổ đông theo đó nhà đầu tư có thể đi theo dòng tiền đầu cơ ở các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực và giải ngân với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.