Văn hóa

Con Rồng Việt Nam trong đất nước "Tiên Rồng"

Nguyễn Tấn Tuấn 12/02/2024 06:37

Rồng là con vật linh thiêng của phương Đông, vốn được coi là chúa tể cai quản vùng sông nước. Chữ Rồng trong tiếng Việt hay chữ Long trong tiếng Hán đều bắt nguồn từ tiếng Krông, Klong…trong tiếng Đông Nam Á cổ xưa, có nghĩa là sông nước. Trong tâm thức của người Việt, biểu tượng con Rồng đã có từ thời dựng nước, với truyền thuyết con Rồng cháu Tiên …

vhxh.jpg

Rồng là con vật linh thiêng của phương Đông, vốn được coi là chúa tể cai quản vùng sông nước. Chữ Rồng trong tiếng Việt hay chữ Long trong tiếng Hán đều bắt nguồn từ tiếng Krông, Klong…trong tiếng Đông Nam Á cổ xưa, có nghĩa là sông nước. Trong tâm thức của người Việt, biểu tượng con Rồng đã có từ thời dựng nước, với truyền thuyết con Rồng cháu Tiên …

Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…”

Mẹ thường hay kể,

Đất là nơi chim về.

Nước là nơi Rồng ở.

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng…

(Trích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm)

Truyền thuyết về Vịnh Hạ Long một kỳ quan thế giới của Việt Nam kể rằng: Ngày xưa, một lần bị bọn nước ngoài xâm lấn, Trời đã sai Rồng mẹ đem một đàn con xuống giúp. Khi giặc tan, do yêu mến đất nước Việt, Rồng mẹ cùng với đàn con ở lại hạ giới nơi Rồng mẹ xuống nước là Vịnh Hạ Long, nơi đàn con ở là Bái Tử Long, còn đuôi đàn Rồng quẫy tạo ra sóng trắng là Bạch Long Vĩ. Trên đất nước ta có biết bao vùng đất mang tên Rồng. Việt Nam coi Rồng là biểu tượng cho sức mạnh, cho quyền lực, cho sự tốt đẹp may mắn và thịnh vượng.

Vua Lý Thái Tổ lúc dời đô ra thành Đại La, thấy Rồng vàng bay lên, Vua cho đây là điềm may mắn liền đặt tên Đại La là Thăng Long. Ở Thành Thăng Long còn có cầu Long Biên, đền Long Đỗ. Còn ở Nam Định lại có chợ Rồng, ở đồng bằng sông Cửu Long thì có đất chín rồng …

Đối với cư dân nông nghiệp, Rồng là vị Thần nước thường hút nước để tưới cho đồng ruộng tươi tốt “Rồng đen lấy nước thì nắng. Rồng trắng lấy nước thì mưa”. Rồng là con vật linh thiêng ra đời từ tư duy của con người. Rồng là sức mạnh tổng hợp, đầu lạc đà, sừng của hươu, mắt của thỏ, tai của bò, mình rắn phủ đầy vây cá, chân hổ và móng chim ưng. Rồng thường có bốn móng, Rồng tượng trưng cho nhà Vua thì có năm móng. Hình tượng Rồng cũng biến đổi qua các thời đại.

Theo các nhà nghiên cứu thì Rồng thời Lý mình dài, thân uốn cong nhiều đường mềm mại. Rồng lớn có vẩy và vây ở lưng có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Đầu Rồng ngẩng cao, miệng há rộng vờn đớp viên ngọc quý. Mào Rồng có ngọn lửa, trán Rồng có hoa văn giống hình chữ S, chữ cổ tự của chữ Lôi tượng trưng cho mây mưa, sấm sét.

Rồng thời nhà Trần uy nghi và đường bệ, thân Rồng tròn lẳn, mập mạp, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi Rồng thẳng, nhọn, hình xoắn ốc. Vẩy Rồng như lửa hình hoa tròn, nhiều cánh đều đặn.

hinh-1.-tuong-dau-ro.jpg
Bảo vật quốc gia Đầu rồng thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long

Rồng thời nhà Lê thay đổi rất nhiều. Đầu Rồng to, bờm lớn ngược ra sau. Thân Rồng lươn 2 khúc lớn. Chân có 5 móng sắc, nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho uy quyền của triều đại phong kiến đương thời. Và từ đây xuất hiện bốn con vật thiêng, gọi là tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng.

Rồng thời 2 nhà Trịnh, Nguyễn vẫn là đứng đầu tứ linh, nhưng có những nét đời thường như hình Rồng mẹ có bầy Rồng con vây quanh, Rồng đôi hay Rồng đuổi mồi… Sau này ở thời Nguyễn, Rồng lại trở về với dáng vẻ uy nghi, thể hiện nhiều tư thế như Rồng ẩn trong mây, Rồng chầu mặt trời, Rồng chầu hoa cúc, chữ thọ. Thân hình Rồng thời Nguyễn không dài, chỉ uốn lượn với độ cong lớn. Đầu Rồng to, mũi sư tử, miệng há rộng lộ răng nanh. Râu Rồng uốn sóng khá uy nghi.

an-hoang.jpg
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - một báu vật hoàng cung của Triều Nguyễn

Theo sự sáng tạo trong tâm thức của người Á Đông, Rồng là con vật có thể biến hóa vô thường, Rồng được sử dụng như một họa tiết trang trí phổ biến trong kiến trúc, trong mỹ nghệ, trong các đồ sành sứ cao cấp. Trong các hiện vật khác còn thấy hình tượng Rồng trong điêu khắc đá và gốm nung khá đẹp. Hình Rồng được trang trí trong hình lá đề, cánh sen giỡn sóng hay các bệ tượng Đức Phật Adiđà khá đẹp, hoặc rồng trên bệ tượng Quan âm Bồ tát…

Ở thời nhà Trần, Rồng đã rời khỏi kiến trúc cung đình mà đi vào đời sống dân dã. Rồng xuất hiện trong điêu khắc gỗ ở các chùa chiền, không những ở những chỗ trang nghiêm mà còn ở các bậc thềm dẫn vào chùa như chùa Phổ Minh. Hình ảnh Rồng chầu mặt trời cũng xuất hiện sớm nhất ở chùa Phổ Quang Nam Định, có niên đại khoảng 1305 – 1310. Đuôi Rồng ở đây được thể hiện trong một ô tròn, chạy ngược kim đồng hồ, đầu ngoái lại chầu một vòng tròn nhỏ là mặt trời.

Hình Rồng còn được cách điệu trong gạch trang trí và ngói úp nóc men lục thời Trần. Từ biểu tượng của Vua chúa, con Rồng đã vượt khỏi kinh thành về với nhân dân, có mặt trong các đình chùa của làng quê dân dã, Rồng xuất hiện trên các bình gốm, bát đĩa, trong các điệu múa Rồng, có màu sắc rực rỡ, uốn lượn tưng bừng trong nhịp trống của hội làng, hoặc những trò chơi trẻ con Rồng rắn lên mây và trong những bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng một thời.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con Rồng Việt Nam trong đất nước "Tiên Rồng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO