Ngày 23/5, Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Hà Nội đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu và công bố kết quả nghiên cứu xây dựng 2 bộ tiêu chí: Tiêu chí về thẩm định dự án FDI thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và Tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên ISC cho biết, công trình nghiên cứu 2 bộ tiêu chí về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Viện đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ về tài chính của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT).
Các tiêu chí được xác định trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xuất phát từ nhu cầu thực tế, kết hợp với tham vấn chuyên gia.
Để xây dựng 2 bộ tiêu chí nói trên, ISC đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các cơ quan chức năng các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh và xin ý kiến góp ý của nhiều tỉnh, thành phố khác. ISC cũng đã tổ chức 3 hội thảo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để xin ý kiến chuyên gia các bộ ngành và các địa phương trong cả nước.
Bộ tiêu chí có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. “Văn bản hướng dẫn 2 bộ tiêu chí là tài liệu tham khảo hết sức hữu ích đối với lãnh đạo tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài tại địa phương. Đây cũng là tài liệu có giá trị trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng cấp tỉnh khi thực thi nhiệm vụ, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình chuẩn bị hồ sơ tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam”, TS. Ngô Công Thành khẳng định.
Bộ tiêu chí thẩm định Đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án FDI sẽ hỗ trợ Thường trực tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng cấp tỉnh thực thi dễ dàng hơn nhiệm vụ rà soát, xử lý lựa chọn dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và trả lời nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn cấp tỉnh cung cấp công cụ hữu hiệu để Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh giám sát, đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp của khu vực FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như kết quả đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong việc hợp tác đầu tư với nước ngoài.
Theo Tiến sỹ Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế, sau 35 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế nước ta. Tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã thu hút được 478 tỷ USD vốn FDI thông qua 40.110 dự án đầu tư đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong những năm gần đây, Việt Nam chuyển sang thu hút FDI thế hệ mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn. Khu vực FDI đã phát triển nhanh và đạt được những thành công nhất định, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Trước hết, phải kể đến việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký cũng là một vấn đề cần được quan tâm xử lý. Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp FDI còn có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế.
Việc “Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn” và “Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh” đã được đặt ra để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các tiêu chí quy định về lựa chọn dự án FDI phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên khi áp dụng vào thực tế có thể dẫn đến sai sót, lọt lưới các dự án không mong muốn.
Các báo cáo về FDI hiện nay chủ yếu đánh giá FDI dựa trên các chỉ tiêu kết quả thu hút và sử dụng FDI cũng như đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế. Chưa có bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả FDI thống nhất ở các cấp, các ngành, các địa phương làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trên phạm vi quốc gia cũng như trong từng địa phương.