Công cụ tín phiếu NHNN hoạt động trở lại sau gần 2 năm đóng băng

Lan Nguyễn| 28/06/2022 12:18
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau gần 2 năm đóng băng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã sử dụng lại kênh tín phiếu với khối lượng lớn để hút nguồn vốn đang dư thừa trên hệ thống ngân hàng, qua đó kiểm soát lãi suất liên ngân hàng.

Hoạt động hút vốn diễn ra mạnh mẽ 

Báo cáo cập nhật ngành Ngân hàng, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, lãi suất VND liên ngân hàng tuần qua vẫn ở mức thấp đối với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần - vốn là các kỳ hạn mà hầu hết các giao dịch liên ngân hàng diễn ra. Số dư của hệ thống ngân hàng trên tài khoản Citad được duy trì ở mức cao trong lịch sử - hơn 400 nghìn tỷ đồng. Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tiếp tục hỗ trợ thanh khoản tiền đồng. Trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã mua 75 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng 1.741 tỷ đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đã có phần chững lại sau khoảng thời gian tăng mạnh, tính đến ngày 10/6, tín dụng tăng 8,2%, trước đó vào thời điểm ngày 23/5 tín dụng tăng 7,6%. Theo thông tin từ các ngân hàng lớn cho biết, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này đã gần chạm hạn mức tín dụng được cấp từ đầu năm đã khiến cho nhiều NHTM phải dừng việc giải ngân tín dụng, làm dư thừa thanh khoản hệ thống.

 

Trước diễn biến này, NHNN đã có động thái sử dụng lại công cụ bán hẳn trên hoạt động thị trường mở sau 2 năm kênh này đóng băng để hút về nguồn vốn đang dư thừa trên hệ thống ngân hàng, qua đó kiểm soát LSLNH.

Thực tế thị trường cho thấy, sau 2 năm dừng hoạt động bán hẳn tín phiếu, kể từ ngày 21/6, NHNN đã bắt đầu thực hiện giao dịch bán hẳn tín phiếu trở lại. Thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research) cho thấy, ngày 21/6, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Khối lượng trúng thầu là 159,26 tỷ đồng trong khi có 170,21 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào 10.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày. Có 200 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 0,3%. Như vậy, NHNN hút ròng 210,95 tỷ đồng từ thị trường trên kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.925,22 tỷ đồng.

Tiếp đến, ngày 22/6, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong khi có 366,92 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào 20.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày. Có 19.400 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 0,7%. Như vậy, NHNN hút ròng 19.766,92 tỷ VND từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.558,30 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 19.600 tỷ VND.

Sang ngày 23/6, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong khi có 195,80 tỷ đồng đáo hạn. NHNN tiếp tục chào tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày. Có 29.999,7 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 0,7%. Như vậy, NHNN hút ròng 30.195,5 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.362,50 tỷ đồng, tín phiếu NHNN ở mức 49.599,7 tỷ đồng.

Tính chung cả tuần (từ ngày 20 – 24/6), NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 529,64 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 1.020,34 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày. Có 69.599,5 tỷ đồng trúng thầu, trong đó 200 tỷ đồng với lãi suất 0,3%, số còn lại với lãi suất 0,7%. Như vậy, NHNN hút ròng 70.090,2 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 1.362,5 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành là 69.599,5 tỷ đồng.

Hoạt động bán tín phiếu tiếp tục được NHNN thực hiện trong những phiên giao dịch đầu tuần này, cụ thể trong phiên giao dịch ngày 27/6, NHNN giảm khối lượng chào thầu trên kênh cầm cố xuống 5.000 tỷ đồng, vẫn với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 213,24 tỷ đồng trúng thầu trong khi có 212 tỷ đồng đáo hạn. NHNN tiếp tục chào tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày. Có 15.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 0,65%. Như vậy, NHNN hút ròng 14.998,76 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.363,74 tỷ đồng, tín phiếu NHNN ở mức 84.599,5 tỷ đồng.

 

Áp lực lên tỷ giá là rất lớn

Việc chính thức mở trở lại kênh hút tiền của NHNN diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống liên tục ở trạng thái dư thừa, khiến lãi suất VND liên ngân hàng giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, còn lãi suất USD không ngừng chịu áp lực tăng do ảnh hưởng từ quyết định của FED.

Trong báo cáo vừa công bố Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố cho thấy, lãi suất liên ngân hàng (LSLNH) trong khoảng thời gian từ ngày 17 – 23/6 tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Cụ thể, lãi suất qua đêm ở mức 0,44%/năm (tăng 0,07% so với trước đó), các kỳ hạn chủ chốt khác (1 tuần, 2 tuần) có chung diễn biến giảm, lần lượt ở mức 0,02% và 0,65% xuống mức 0,78% và 1,64%/năm.

Nhìn xa hơn 1 chút, BVSC cho biết, trong khoảng 1,5 tháng gần đây, lãi suất liên ngân hàng liên tục có diễn biến giảm và hiện vẫn đang ở mặt bằng rất thấp so với giai đoạn đầu năm 2022 cũng như cả năm 2021.

Diễn biến trên khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường 2 đã liên tục giảm thậm chí đi vào vùng âm vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, đặc biệt là với các kỳ hạn ngắn. Thống kê từ VDSC cho thấy, sau đợt tăng lãi suất mạnh của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 16/6, lãi suất USD liên ngân hàng đã tăng mạnh. Lãi suất qua đêm tăng gần gấp đôi từ mức 0,85 - 0,90% lên 1,5 - 1,6% và tiếp tục giữ ở mức cao. Lãi suất USD được niêm yết trong khoảng 1,5-1,7% đối với kỳ hạn 1 tuần và 1,6-1,8% đối với kỳ hạn 2 tuần. Diễn biến này khiến chênh lệch lãi suất USD - VND giảm sâu trong vùng âm trong ngày 16/6: ở mức từ -0,8% đến -0,4% đối với kỳ hạn qua đêm; từ -0,6% đến -0,1% đối với kỳ hạn một tuần; từ -0,5% đến -0,1% đối với kỳ hạn hai tuần; và từ -0,3% đến -0,0% đối với kỳ hạn một tháng.

Kết hợp với tác động của bất ổn toàn cầu đối với cán cân thương mại và dòng vốn FDI vào ròng làm suy yếu tương đối tăng trưởng, VDSC cũng cho rằng, những yếu tố này sẽ gây ra căng thẳng kéo dài cho tỷ giá hối đoái. Hệ quả là một lượng USD đáng kể được bán ra từ dự trữ ngoại hối (ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD). Đặc biệt, đà giảm giá của VND được hỗ trợ bởi dòng tiền ra trong ngành xăng dầu và sắt thép. Trên thị trường thế giới, đồng USD tiếp tục củng cố sức mạnh đồng thời gây áp lực lên tỷ giá.

 

Theo các chuyên gia của VDSC, các động thái này phù hợp với mục tiêu duy trì lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, những trở ngại đang che lấp triển vọng phục hồi kinh tế, chẳng hạn như lạm phát cao hơn khi đầu tư công tăng tốc. Tỷ giá trên liên ngân hàng đang dao động quanh tỷ giá bán USD kỳ hạn 3 tháng của NHNN, đồng nghĩa có thể sẽ còn nhiều USD được bán qua các hợp đồng kỳ hạn hơn trong thời gian tới.

“Bất chấp nỗ lực theo dõi nguồn cung tiền VND để thu hẹp chênh lệch lãi suất hợp đồng hoán đổi, lãi suất cho vay VND liên ngân hàng chỉ tăng nhẹ. Chúng tôi cho rằng hành động này sẽ giúp điều chỉnh đà tăng của tỷ giá hối đoái và áp lực lên dự trữ ngoại hối”, VDSC đánh giá.

Mới đây, khi trao đổi về việc điều hành tỷ giá trong thời gian tới, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu có tính nhất quán trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng nhanh. Do đó, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu này, đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, NHNN sẽ phối hợp điều hành đồng bộ thanh khoản VND để hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại tệ và mặt bằng lãi suất.

“Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô Dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường”, ông Phạm Chí Quang chia sẻ và cho biết thêm: “NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công cụ tín phiếu NHNN hoạt động trở lại sau gần 2 năm đóng băng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO