Mặc dù có sự cải thiện trong việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, bảng giá đất cấp tỉnh và mức độ phản hồi của chính quyền địa phương đối với yêu cầu cung cấp thông tin của công dân, song việc công khai những nội dung này chưa có nhiều thay đổi giữa hai lần đánh giá.
5 tiêu chí đánh giá
Sáng ngày 9/3, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Đánh giá vòng 2 việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022”.
Đây là nghiên cứu nằm trong chuỗi nghiên cứu thực chứng thường niên việc thực hiện công khai thông tin đất đai ở Việt Nam của chính quyền địa phương từ năm 2021 đến nay. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại sứ quán Ai-len và UNDP tại Việt Nam cùng tài trợ cho nghiên cứu thông qua Chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của UNDP tại Việt Nam.
Pháp luật về đất đai và tiếp cận thông tin của Việt Nam đã quy định cụ thể trách nhiệm, quy trình, hình thức và thời hạn công khai thông tin bảng giá đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng như cung cấp những nội dung thông tin này theo yêu cầu của người dân.
Kết quả khảo sát thường niên qua Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011 đến năm 2021 cho thấy, dưới 20% số người được hỏi trên toàn quốc biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa phương và dưới 40% biết đến bảng giá đất chính thức do chính quyền cấp tỉnh ban hành.
Nghiên cứu vòng 2 được thực hiện từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023 thông qua việc rà soát cổng thông tin điện tử chính thức của 63 tỉnh, thành phố và 705 quận, huyện, thị xã trên toàn quốc. Mức độ công khai thông tin đất đai của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí bao gồm: (i) Công khai thông tin; (ii) Khả năng tìm kiếm thông tin; (iii) Tính kịp thời của thông tin; (iv) Tính đầy đủ của thông tin (đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện); và (v) Khả năng sử dụng thông tin (dễ đọc, dễ hiểu và đọc được bằng các phần mềm thông dụng).
74% cơ quan cấp huyện không phản hồi
Theo kết quả nghiên cứu được công bố, việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện chậm cải thiện.
Cụ thể, về việc công khai bảng giá đất cấp tỉnh, tính đến ngày 6/10/2022, có 41/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (chiếm 65%) đã đăng tải công khai bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của địa phương, tăng 22,2% so với kết quả rà soát năm 2021. Tuy nhiên, tài liệu ở một số cổng thông tin điện tử này được lưu dưới dạng tài liệu nén và lưu trữ thiếu tính hệ thống, dẫn tới khó khăn cho người sử dụng muốn tìm kiếm bảng giá đất.
Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến ngày 6/10/2022, trong số 705 UBND cấp huyện có 55,2% đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử cấp huyện. Có 19/389 đơn vị công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022 ban hành kế hoạch sử dụng đất đúng thời hạn (chiếm 4,9%).
“So sánh kết quả rà soát năm 2021 cho thấy, số lượng UBND cấp huyện thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử tăng nhẹ (khoảng 7%). …”- Nhóm nghiên cứu đánh giá.
Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nội dung mới được đánh giá vào năm 2022, tính đến hết ngày 6/10/2022, trong tổng số 705 đơn vị huyện trên toàn quốc, gần 49% (tương đương 345 UBND cấp huyện) đã thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, trong đó 105/345 cơ quan được ghi nhận đã công khai đúng thời hạn, 116/345 cơ quan công khai không đúng thời hạn và 124/345 cơ quan không xác định được thời gian công khai. Về tính đầy đủ, có 171 cơ quan (chiếm 49,6% trong số 345 UBND cấp huyện) đã đăng tải đầy đủ 3 văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Kết quả ghi nhận chỉ có 53 UBND cấp huyện đáp ứng cả 5 tiêu chí đề ra bao gồm công khai thông tin, khả năng tìm kiếm, tính kịp thời, tính đầy đủ và khả năng sử dụng.
Đáng chú ý, kết quả nhiên cứu cũng cho thấy, tỉ lệ cơ quan nhà nước cấp huyện không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của công dân vẫn ở mức cao
Để đánh giá tỉ lệ phản hồi cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, nhóm nghiên cứu thử nghiệm gửi thư yêu cầu cung cấp thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022 tới 561 UBND cấp huyện. Tính đến ngày 21/2/2023, có 146 cơ quan đã phản hồi bao gồm 108 cơ quan phản hồi cung cấp thông tin (chiếm 19%), 6 cơ quan từ chối cung cấp thông tin (chiếm 1%), 32 phản hồi khác (chiếm gần 6%) và 415 cơ quan (tương đương 74%) không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin. Kết quả này cho thấy tỷ lệ các cơ quan nhà nước không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của người dân vẫn ở mức cao.
Hoàn thiện quy định của pháp luật
Chia sẻ kết quả này, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “Việc chia sẻ thông tin không công bằng cho các nhóm đối tượng về kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỉ lệ rất lớn”.
Cũng theo bà Ramla Khalid, kinh nghiệm thực tiễn tốt ở nhiều quốc gia cho thấy, nơi nào thông tin đất đai được chia sẻ công khai, minh bạch và người dân có cơ hội cho ý kiến vào các dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất, thì nơi đó kiểm soát tốt hơn nguy cơ tham nhũng liên quan đến đất đai, giảm thiểu những bức xúc liên quan đến đất đai, từ đó niềm tin của người dân với chính quyền được cải thiện…
Để thúc đẩy việc công khai thông tin đất đai của các cơ quan nhà nước, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy định pháp luật và chính sách liên quan tới công khai thông tin đất đai giữa Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đất đai. Đồng thời, các cơ quan hữu quan ở cấp tỉnh và cấp huyện cần triển khai thực hiện đầy đủ việc công khai thông tin đất đai trên môi trường trực tuyến ngoài môi trường trực tiếp.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc CEPEW nhấn mạnh: “Cần bổ sung thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu quy định trong Luật Tiếp cận thông tin 2016 vào bộ thủ tục hành chính hiện hành, xem xét quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nắm giữ thông tin trong một số trường hợp cụ thể, bổ sung quy định thời điểm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để đảm bảo tính kịp thời và đồng bộ. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến và tập huấn về Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP tới tất cả các cán bộ, công chức thuộc khối cơ quan nhà nước và người dân”.
Một số điển hình thực hành tốt
Bắc Giang, Phú Yên: 100% huyện công khai quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030.
Ninh Thuận và Kon Tum: 100% huyện công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022.
Sóc Trăng, Quảng Trị và Trà Vinh: Công khai bảng giá đất cấp tỉnh trên cổng thông tin điện tử của tỉnh đúng thời hạn. Bà Rịa- Vũng Tàu: Có chuyên mục Thông tin tiếp cận đất đai được hệ thống dễ tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh): Đáp ứng đủ cả 5 tiêu chí với công khai Quy hoạch SDĐ và công khai Kế hoạch SDĐ. Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam): Đăng tải có hệ thống KHSDĐ từ năm 2015 đến 2022 Huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên): Có mã QR quét hồ sơ tài liệu công khai trong Thông báo công khai Kế hoạch SDĐ. Huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang): Thông báo từ chối cung cấp thông tin và tuân thủ theo quy định của Luật Tiếp cận Thông tin 2016. Huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), và huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông): Sử dụng nhiều hình thức, hỗ trợ và đảm bảo người yêu cầu nhận được thông tin.
Tác giả trích dẫn