Cục Phòng chống rửa tiền đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, đóng góp không nhỏ cho công tác phòng chống tội phạm

P.V| 05/09/2020 11:36
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đánh giá của Trung tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an - tại lễ trao tặng Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Công an cho Cục Phòng chống rửa tiền (Cục PCRT) thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc năm 2019.

Tại Lễ trao tặng, đại diện Bộ Công an đã công bố Quyết định số 1482/QĐ-BCA ngày 3/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen cho Cục Phòng, chống rửa tiền - Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc năm 2019.

Cục Phòng chống rửa tiền đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an, đóng góp không nhỏ trong công tác phòng chống tội phạm. Ảnh: SBV

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an đã trao Bằng khen cho Cục PCRT. Trung tướng Nguyễn Đình Thuận chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Cục PCRT được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc.

Trung tướng Nguyễn Đình Thuận cho rằng, thời gian qua Cục PCRT đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an, đóng góp không nhỏ trong công tác phòng chống tội phạm, cụ thể: Thông tin giao dịch đáng ngờ do Cục PCRT chuyển giao là nguồn thông tin quan trọng giúp công an các đơn vị, địa phương trong công tác điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, giúp lực lượng công an chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và hành vi vi phạm pháp luật khác, xử lý những vấn đề phức tạp liên quan công tác bảo đảm an ninh kinh tế.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao phục vụ công tác đánh giá đa phương của Đoàn đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc NHNN (tiêu biểu là Cục PCRT) với các đơn vị thuộc Bộ Công an (tiêu biểu là Cục An ninh kinh tế) càng được thể hiện rõ nét.

Trung tướng Nguyễn Đình Thuận mong thời gian tới, sự phối hợp giữa Cục PCRT với Cục An ninh kinh tế và các đơn vị thuộc Bộ Công an ngày càng gắn bó, chặt chẽ đảm bảo hoàn thành xuất sắc công tác đảm bảo an ninh kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố mà Chính phủ, Bộ Công an và NHNN giao phó.

Phát biểu tại buổi lễ Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Nguyễn Văn Du, cho rằng, Cục PCRT đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc là sự ghi nhận của Bộ Công an với những đóng góp của NHNN, Cơ quan TTGSNH nói chung và Cục PCRT nói riêng trong công tác thu thập, phân tích, chuyển giao những thông tin hữu ích cho Bộ Công an để phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm góp phần bảo vệ an ninh tổ quốc.

Cục trưởng Cục PCRT Phạm Tiên Phong cho biết thêm, thời gian qua công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm có liên quan đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với vai trò là đơn vị đầu mối của Việt Nam trong triển khai công tác phòng, chống rửa tiền, Cục PCRT đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an đặc biệt là Cục An ninh kinh tế trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về rửa tiền, tài trợ khủng bố nói riêng, qua đó góp phần bảo vệ an ninh tổ quốc, an toàn hoạt động tài chính tiền tệ quốc gia.

Kết quả đạt được một phần là do sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức Cục PCRT nhưng quan trọng hơn cả là Cục PCRT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo từ Chính phủ, lãnh đạo NHNN, lãnh đạo Cơ quan TTGSNH và các bộ, ngành có liên quan đặc biệt là Bộ Công an.

Cục trưởng Cục PCRT Phạm Tiên Phong hy vọng, thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Cơ quan TTGSNH, Lãnh đạo Cục An ninh kinh tế và sự ủng hộ, phối hợp của cán bộ Cục An ninh kinh tế để hoàn thành các nhiệm vụ được giao đặc biệt là hoàn thành những phần việc còn lại của chương trình đánh giá đa phương của APG và triển khai các kế hoạch hậu đánh giá đa phương.

Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục PCRT được quy định tại Quyết định số 1367/QĐ-NHNN ngày 26/6/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Quyết định số 2393/QĐ-NHNN ngày 14/11/2019 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1367/QĐ-NHNN ngày 26/6/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Vị trí chức năng

Cục PCRT là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Cục PCRT có con dấu riêng.

Cục PCRT có chức năng giúp Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thống đốc NHNN quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, nhiệm vụ phòng, chống khủng bố theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố và theo phân cấp, ủy quyền của Thống đốc ngân hàng Nhà nước.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham mưu, giúp Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc ban hành theo chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước:

a) Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố;

b) Chiến lược, kế hoạch quốc gia, đề án, dự án quan trọng về phòng, chống rửa tiền;

c) Chương trình dài hạn, năm năm và hằng năm về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.

2. Tiếp nhận thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các thông tin khác nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền.

3. Phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện theo quy định của pháp luật và theo phân cấp, ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

a) Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác liên quan đến rửa tiền;

b) Chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Lập danh sách cảnh báo tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền theo quy định của pháp luật; cảnh báo những vấn đề nảy sinh liên quan đến rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền;

d) Phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan có chức năng thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các cơ quan quản lý nhà nước khác;

đ) Ký kết và thực hiện Bản ghi nhớ trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố với đơn vị tình báo tài chính (FIU) hoặc cơ quan khác của nước ngoài có thẩm quyền về phòng, chống rửa tiền, phòng chống, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật và ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố thuộc phạm vi trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước:

a) Chuẩn bị nội dung đàm phán, ký kết các điều ước, cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức triển khai hoặc hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia;

c) Đầu mối triển khai nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) và các tổ chức quốc tế khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia;

d) Đầu mối triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố

đ) Tiếp nhận, quản lý các dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo phân cấp, ủy quyền;

6. Đầu mối, giúp việc cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền trong phạm vi trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và chỉ đạo của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng; đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan định kỳ đánh giá rủi ro rửa tiền tại Việt Nam.

7. Đầu mối, giúp việc cho Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng trong phạm vi trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và chỉ đạo của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.

8. Thực hiện nhiệm vụ đầu mối triển khai đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA).

9. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố; tổ chức nghiên cứu và đề xuất ứng dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố thuộc phạm vi trách nhiệm của Cục V.

10. Đầu mối, phối hợp đơn vị liên quan triển khai công tác tuyên truyền về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước.

11. Phối hợp với Văn phòng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai công tác bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước.

12. Đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng nội dung của kế hoạch thanh tra về phòng, chống rửa tiền hằng năm của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng gửi Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

13. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra về phòng, chống rửa tiền.

14. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong ngành Ngân hàng thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

15. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật và của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.

16. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục Phòng chống rửa tiền đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, đóng góp không nhỏ cho công tác phòng chống tội phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO