Nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là hầu bao margin từ các công ty chứng khoán được mở rộng nhờ "game" tăng vốn.
Thị trường chứng khoán đang có thông tin hỗ trợ tích cực như việc nâng hạng thị trường đã có những bước tiến đáng kể khi trong báo cáo đánh giá của MSCI tháng 6/2024 cho biết, Việt Nam đã cải thiện được tiêu chí khả năng chuyển nhượng.
Đồng thời, hệ thống KRX đang gấp rút hoàn thiện, kỳ vọng được triển khai từ tháng 9 sẽ củng cố thêm cho khả năng nâng hạng của thị trường.
Ngoài ra, các bộ luật quan trọng như Luật Đất đai, Kinh doanh Bất động sản,... có hiệu lực từ quý III năm nay cũng sẽ tạo động lực tăng điểm cho thị trường.
Cùng với đó, nhịp điều chỉnh tháng 4 đã kéo định giá PE của thị trường về mức thấp, với 13,7x lần và sau nhịp hồi phục, VN-Index giao dịch quanh mức PE hơn 14 lần. Theo đó, mức định giá hiện tại của thị trường vẫn còn hấp dẫn khi so với triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm nay và so với mức trung bình 10 năm là 15,2x lần.
Một lý do quan trọng được Chứng khoá TPS đề cập là dư địa cho vay margin từ các công ty chứng khoán còn rất lớn nhờ “game” tăng vốn trong khoảng cuối năm 2023, nửa đầu năm 2024. Tính đến cuối quý I/2024, tỷ lệ dư nợ cho vay margin/vốn chủ sở hữu tương đối thấp, đạt 54,5%, thấp hơn so với mức đỉnh đầu 2022 là 120% và thấp hơn mức an toàn được quy định (2 lần).
“Dự kiến lượng vốn vay margin trong nửa cuối năm sẽ tăng lên đáng kể, dư địa cho vay margin còn rất lớn và sẽ hỗ trợ cho đà tăng thị trường chứng khoán”, báo cáo của TPS nêu.
Trước đó, mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2024, một loạt công ty chứng khoán trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng nhiều phương thức như phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP).
Cụ thể, đại hội đồng cổ đông Công ty Chứng khoán SSI (SSI) đã thông qua phương án phát hành 453,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu (tối đa 302,2 triệu cổ phiếu) và chào bán cho cổ đông hiện hữu (tối đa 151,1 triệu cổ phiếu). Sau phát hành, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng từ hơn 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng.
Số tiền dự kiến thu được từ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu khoảng 2.267 tỷ đồng sẽ được SSI dùng một nửa để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư chứng chỉ tiền gửi, một nửa bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ.
Đại hội đồng cổ đông Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã VDS) đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ gần 54,3%, lên 3.240 tỷ đồng.
Theo đó, VDSC sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức với tỷ lệ 11,5%; phát hành 8,85 triệu cổ phiếu ESOP (tương đương tỷ lệ 4,21% vốn điều lệ) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; chào bán riêng lẻ tối đa 81 triệu cổ phiếu cho đối tượng là nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhằm nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh.
Công ty Chứng khoán FPT (FPTS, mã FTS) sẽ phát hành hơn 85,8 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 858 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 5,5 triệu cổ phiếu ESOP (hơn 55 tỷ đồng) để gia tăng nguồn vốn cho vay ký quỹ.
Trở lại với dự báo của TPS về chỉ số VN-Index, theo báo cáo của TPS, VN-Index có thể giao động quanh mục tiêu 1.381 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở là 15,x lần (tương đương với P/E trung bình 10 năm gần nhất).
Ở kịch bản lạc quan hơn, VN-Index có thể đạt mức 1.444 điểm với kịch bản lợi nhuận tăng trưởng 15% khi các yếu tố khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm, các Ngân hàng Trung ương thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ. Qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.