Tin tức

Đại biểu Quốc hội: Chưa có phương án tối ưu cho việc rút bảo hiểm xã hội một lần

Minh Nhật 27/05/2024 - 16:54

Thảo luận tại nghị trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi ngày 27/5, liên quan đến việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí cho rằng chưa có phương án tối ưu và đề xuất lùi thời gian thông qua dự luật.

Báo cáo tại Phiên họp về điều kiện hưởng BHXH một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:

Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm gồm: Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

nguyen-thuy-anh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua” – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Phương án nào chấm dứt được tình trạng rút BHXH một lần?

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa lựa chọn phương án 1 vì cho rằng phương án này khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

ha-hong-hanh.jpg
Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Nhận định phương án 1 nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và là phương án an toàn hơn, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng đề xuất lựa chọn phương án 1 vì hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện.

nguyen-thi-yen-nhi.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đồng quan điểm, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cũng cho rằng phương án 1 sẽ đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. Đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị cần có định hướng truyền thông để hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già.

la-thanh-tan.jpg
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị lựa chọn phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH, tham gia BHXH để hưởng lương hưu, hưởng quyền lợi lâu dài và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện.

doan-thi-le-an.jpg
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Nhận định chọn phương án 1 sẽ khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già, đại biểu Rơ Châm H’Phik - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tin tưởng quy định này không ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động tham gia BHXH nên dễ nhận được sự đồng thuận của người lao động.

dao-chi-nghia.jpg
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ

Trái chiều với các ý kiến trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ lại tán thành với phương án 2.

“Phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia BHXH; giữ chân người lao động tham gia BHXH lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội”, đại biểu Đào Chí Nghĩa nói.

truong-thi-ngoc-anh.jpg
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ

Đồng quan điểm ủng hộ phương án 2, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ cho rằng phương án này vừa đảm bảo quyền lựa chọn cho người tham gia BHXH và giữ được an sinh tối thiểu cho người tham gia bảo hiểm.

Chưa có phương án tối ưu, đề xuất lùi thời gian thông qua dự luật

Về điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nhận định phương án 1 tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày Luật này có hiệu lực. Do vậy, vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.

tran-thi-hoa-ry.jpg
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đối với phương án 2, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút BHXH một lần của người lao động. Bởi việc rút BHXH một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 3 đến 6 tháng để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng hai phương án quy định tại dự thảo Luật đều có những hạn chế, chưa phải là những phương án tối ưu nhất.

nguyen-thi-hong-hanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

“Phương án 2 vì chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải bằng cách giữa 50% số tiền ít ỏi của người lao động. Tuy nhiên, Phương án 1 thì cũng vẫn còn có những băn khoăn, bởi vì những người đóng BHXH sau ngày Luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng BHXH một lần”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh phân tích.

phan-thai-binh.jpg
Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của hai phương án, đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề xuất tích hợp hai phương án trên sẽ giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động; đồng thời, về lâu dài cũng giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.

nguyen-thi-viet-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng 2 phương án. Đại biểu phân tích, cả hai phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu, vì thực tế trong bối cảnh điều kiện của nước ta hiện nay nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải vượt qua những khó khăn trước mắt. Vì vậy, không thể hạn chế việc rút BHXH một lần đối với những người tham gia BHXH sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1 và chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó; đôi khi dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm.

nguyen-huu-thong.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH Bình Thuận cũng cho rằng tích hợp phương án 2 vào nhóm 2 của phương án 1 là hợp lý. Theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ sau ngày 1/7/2025 thì vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần theo lộ trình giảm dần (mỗi năm giảm dần 20%) và chấm dứt vào năm 2030. Đồng thời, bổ sung thêm điều khoản quy định theo hướng có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần.

tran-khanh-thu.jpg
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhận định hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và chưa tạo được sự đồng thuận cao.

Đại biểu Trần Khánh Thu đề xuất lùi thời gian thông qua dự luật để Ban soạn thảo tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Chưa có phương án tối ưu cho việc rút bảo hiểm xã hội một lần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO