Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đồng bào các dân tộc huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành “đòn bẩy” giúp người dân phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước làm giàu, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.
Vốn nhân văn đến tận tay người thụ hưởng
Nằm ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk, cách TP. Buôn Ma Thuột 30 km dọc theo Quốc lộ 26 nối liền với tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung, huyện Krông Pắc có diện tích tự nhiên 62.581 ha, gồm 15 xã và thị trấn Phước An, dân số gần 200.000 người, với 36,50% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Những ngày đầu tháng 11/2024, về với huyện Krông Pắc, hiển hiện trước mắt chúng tôi là những con đường bê tông hóa mở rộng, phẳng lì; những vùng quê yên ả, trù phú, cùng những thay đổi rõ rệt, sinh động tại các làng quê. Thành quả đó bắt nguồn từ sự chỉ đạo đúng đắn, hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, trong đó, phải kể đến những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn Krông Pắc.
Chúng tôi đến gia đình ông Y Kứu Niê ở buôn Jat A, xã Ea Hiu và được biết, cuối năm 2021, gia đình ông được vay vốn chương trình hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư chăm sóc 4 sào cà phê xen canh sầu riêng. Đây là địa bàn thuộc Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà H’Ri Bkrông làm tổ trưởng, thuộc Hội Phụ nữ quản lý. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, siêng năng chịu khó nên gia đình đã phát huy hiệu quả nguồn vốn. “Từ một hộ nghèo, tôi được vay vốn để trồng cà phê, sầu riêng, mỗi năm lợi nhuận trên 100 triệu đồng, kinh tế gia đình dần ổn định, nuôi các con ăn học chu đáo”, ông Y Kứu Niê chia sẻ.
Còn ông Bùi Đức Thắng, cư trú tại thôn Đức Tân, xã Ea Hiu thì được vay vốn của chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 52,5 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho con là Bùi Thị Yến Thương, học tại Trường Đại học khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, con gái đã ra trường có việc làm ổn định và gửi tiền về hỗ trợ cho gia đình. Nhờ vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ kịp thời, ông Thắng xúc động nói: “Thời điểm nhà tôi gặp khó khăn, không đủ tiền để cho con đi học đại học, rất may mắn được NHCSXH cho vay. Gia đình tôi không bao giờ quên…”.
Cũng tại xã Ea Hiu, gia đình ông Ai Dên ở buôn Ra Lu từng là một trong những hộ nghèo, rất khó khăn. Đầu năm 2019, từ nguồn vốn 40 triệu đồng được vay của NHCSXH huyện, ông đầu tư chăn nuôi bò, dê... Để sản xuất hiệu quả, ông Ai Dên được Hội Nông dân xã tập huấn kỹ thuật trồng cây, được hỗ trợ cây giống tái canh cà phê, tiến hành nhổ bỏ 4 sào cà phê già cỗi để trồng mới 400 cây cà phê giống TR4. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới cùng lợi thế đất đai, nguồn nước thuận lợi, hiện mô hình kinh tế của gia đình phát triển tốt. Có nguồn thu ổn định, trong đợt rà soát hộ nghèo năm 2023, gia đình ông đã tự nguyện xin thoát nghèo.
Trường hợp ông Nguyễn Trọng Dũng ở xã Ea Kuăng thì khá ngặt nghèo. Năm 2023, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về hoàn lương tái nhập cộng đồng, ông được NHCSXH huyện cho vay 90 triệu đồng để đầu tư chăm sóc cà phê phát triển kinh tế. Chỉ sau hơn một năm, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, cuộc sống ổn định và có nhiều triển vọng tích cực. Ông bày tỏ: “Nếu không có vốn ưu đãi, không biết gia đình tôi sẽ xoay xở thế nào. Tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước đã lo cho người dân chu đáo…”.
Ông Võ Hữu Chút, Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiu cho biết, hằng năm xã chỉ đạo công tác rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, sau đó tổ chức đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, cận nghèo tại từng thôn, buôn và nắm chắc nhu cầu của từng hộ, đồng thời giao cho các tổ chức đoàn thể xem xét tiếp cận vốn TDCS. Do đó công tác cho vay luôn kịp thời, đúng đối tượng, vốn đến tận tay người thụ hưởng.
Ông Phan Đính, Bí thư Đảng ủy xã Ea Yông lý giải nguyên nhân thoát nghèo, giàu lên của người dân: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là đồng vốn ưu đãi của NHCSXH hỗ trợ kịp thời, cộng với việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của người dân đã làm “đòn bẩy” mạnh mẽ để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Ông Huỳnh Đức Mười, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Pắc dẫn chúng tôi thăm một số mô hình phát triển kinh tế từ vốn tín dụng chính sách và cho biết: Điểm nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị 40) ở Krông Pắc là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Dòng vốn tín dụng chính sách đã phát huy tác dụng, trở thành trợ lực quan trọng, trụ cột giảm nghèo, đồng hành với những người nông dân cần cù, có khát vọng vươn lên có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, làm giàu từ đồng vốn nhân văn.
Đến ngày 30/10/2024, tổng nguồn vốn từ ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH để cho vay là 16,2 tỷ đồng, tăng 14,9 tỷ đồng so với năm 2014. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền luôn xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện cho biết: UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn chủ động rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục, hồ sơ, giám sát đối tượng vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, huyện Krông Pắc đạt tổng dư nợ 595 tỷ đồng, tăng 336 tỷ đồng so với năm 2014, với hơn 14.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng; giúp cho 8.746 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 1.046 lao động, trên 4.079 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng trên 10.898 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây mới 2.678 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, xây dựng nông thôn mới với 14/16 xã đã “về đích” nông thôn mới.
Theo Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến, Chỉ thị 40 là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của nhân dân đã giúp nguồn vốn tín dụng chính sách ở huyện không những tăng trưởng nhanh, mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy tích cực, hỗ trợ thiết thực các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tô đậm thêm một chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Pắc Huỳnh Đức Mười chia sẻ, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng hệ thống chính trị, giúp NHCSXH huyện hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hằng năm. Do đó trong nhiều năm qua, chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện luôn được nâng được cao; nợ quá hạn từ 0,71% trước đây, nay giảm xuống còn 0,01% tổng dư nợ .
Dấu ấn nổi bật nữa là đơn vị đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân, tận tụy thực hiện nhiệm vụ với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Có thể khẳng định, nguồn vốn nhân văn đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách mà hơn cả là vì sự phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Dòng vốn tín dụng chính sách đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên vùng quê huyện Krông Pắc đang vươn mình đi tới.