Hoạt động ngân hàng

Đảm bảo hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt minh bạch, chặt chẽ, đúng pháp luật

Thu Hằng 23/06/2024 06:30

Nắm bắt đúng, đầy đủ các nội dung chính sách mới, tuân thủ và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP; góp phần đảm bảo hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt minh bạch, chặt chẽ, đúng pháp luật.

Đây là chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng tại "Hội nghị phổ biến Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)", được NHNN tổ chức ngày 21/6. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.

web.jpeg
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, ngày 15/5/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 và thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP.

Trong hơn 11 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP đã tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đem lại chuyên biển tích cực trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế, đưa thanh toán điện tử, TTKDTM đi vào cuộc sống thường nhật, hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nên kinh tế. Những thành tựu về phát triển TTKDTM đã được thể hiện thông qua những con số tăng trưởng ấn tượng: Đến hết 2023 đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng; nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số; tỷ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt khoảng 50%.

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, xu hướng hội nhập quốc tế và nhu cầu của thực tiễn Việt Nam, một số quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP cần được nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn cuộc sống đặt ra

Phó Thống đốc cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 52 về TTKDTM là cơ sở để NHNN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thanh toán, tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

"Việc tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 52/2024/NĐ-CP là cần thiết nhằm đảm bảo các đối tượng áp dụng của Nghị định, bao gồm các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT), trung gian thanh toán (TGTT); các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT; các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT có thể nắm bắt đúng, đầy đủ các nội dung chính sách mới, tuân thủ và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP; góp phần đảm bảo hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt minh bạch, chặt chẽ, đúng pháp luật", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Giới thiệu các nội dung, chính sách của Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ thanh toán cho biết, Nghị định được bố cục theo Chương, Điều, khoản, điểm, bao gồm 7 Chương và 38 Điều trên cơ sở nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; phù hợp với các cam kết, thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; bảo đảm tính khả thi, gắn với thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, hiện đại; và kế thừa những nội dung còn phù hợp, phát huy hiệu lực, hiệu quả, khắc phục một số tồn tại, hạn chế tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Trong đó, một số nội dung chính sách mới đã được thể chế hoá bằng quy định cụ thể tại Nghị định số 52/2024/NĐ-CP như sau:

Bổ sung quy định về tiền điện tử (e-money): Nghị định số 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định về tiền điện tử; trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử (Điều 3); quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6); đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức CUDVTGTT (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).

Việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử (theo Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017).

Bổ sung quy định về thanh toán quốc tế: Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định để làm rõ khái niệm thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế (Điều 3); vai trò quản lý nhà nước của NHNN đối với thanh toán quốc tế (Điều 4); quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế (Điều 5); quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và điều kiện để được chấp thuận (Điều 5, Điều 21); quy định về việc các bên liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam nhằm quản lý các luồng giao dịch xuyên biên giới (Điều 5).

Quy định về thanh toán quốc tế tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP nhằm nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán quốc tế và đẩy mạnh các mô hình hợp tác cung ứng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới trong bối cảnh phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ thanh toán đối với thương mại điện tử ngày càng gia tăng.

Sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán (Điều 9-16): Trong quá trình theo dõi việc thực thi các quy định pháp luật về tài khoản thanh toán, Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan để phù hợp hơn với thực tiễn, như quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán; ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán; phong tỏa tài khoản thanh toán; xử lý sau khi chấm dứt phong tỏa; các trường hợp đóng tài khoản thanh toán; xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán...

Bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối vơi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích (Điều 18-20): Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định về dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng để phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Luật Đầu tư năm 2020, trong đó: quy định cụ thể phạm vi các chủ thể được cung ứng (gồm ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích); quy định điều kiện và hồ sơ, quy trình, thủ tục để được NHNN chấp thuận, thu hồi văn bản về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT: Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT để phù hợp nhu cầu thực tiễn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT.

Cụ thể: Cắt giảm các dịch vụ TGTT cấp phép (loại bỏ 1 dịch vụ là dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử không thuộc phạm vi dịch vụ TGTT); Cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát các điều kiện kinh doanh; Sửa đổi, bổ sung chi tiết và làm rõ các nội dung, quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi, cấp lại Giấy phép làm căn cứ để quản lý và tổ chức triển khai; Bổ sung các nguyên tắc làm cơ sở để NHNN thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT được NHNN cấp Giấy phép.

Một số quy định khác: Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định về tổ chức, quản lý, vận hành và giám sát hệ thống thanh toán quốc gia và quy định về giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; bổ sung rõ hơn chức năng giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT và dịch vụ thanh toán (Điều 4, Điều 33-35); bổ sung một số quy định chuyển tiếp hướng dẫn chi tiết đối với các trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính đã tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế; các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT được cấp phép dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và việc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng (Điều 36).

Theo ông Phạm Anh Tuấn, để triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, các đơn vị vụ, cục của NHNN, chi nhánh NHNN tỉnh/thành phố, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Các đơn vị NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, trong đó tập trung, khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Nghị định số 52/2024/NĐ-CP đảm bảo đúng tiến độ và theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Nghị định số 52/2024/NĐ-CP để thống nhất cách hiểu, cách áp dụng Nghị định.

Các TCCUDVTT, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT chủ động, khẩn trương rà soát Điều lệ, hệ thống văn bản quy định nội bộ,... của tổ chức mình để sẵn sàng sửa đổi, bổ sung, thay thế đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định số 52/2024/NĐ-CP. Có các hình thức phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ cán bộ, nhân viên trong hệ thống của mình nắm được quy định mới của Nghị định số 52/2024/NĐ-CP; Đối với một số quy định mới của Nghị định số 52/2024/NĐ-CP gần với thời hạn hoàn thành cụ thể, các TCCUDVTT, TGTT phải xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 52/2024/NĐ-CP.

NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố: Phối hợp với NHNNTW và các TCCUDVTT, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT trên địa bàn tổ chức kế hoạch truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định 52/2024/NĐ-CP đến doanh nghiệp, người dân, cơ quan, tổ chức tại địa phương mình.

image

Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về TTKDTM là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện Nghị định 52/2024/NĐ-CP, các đơn vị nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn cần liên hệ ngay với NHNN (Vụ Thanh toán) để được giải đáp và xử lý kịp thời.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán, việc triển khai thực hiện theo quy định Nghị định 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán và hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và TTKDTM trong nền kinh tế trong bối cảnh sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt minh bạch, chặt chẽ, đúng pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO