Đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo

Kim Xuân| 04/08/2020 16:55
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 31/7/2020, tại TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp tổ chức hội thảo tập huấn về chủ đề “Đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo” cho cán bộ quản lý và chuyên viên các phòng/ban: tín dụng, thẩm định, quản lý rủi ro của các NHTM là tổ chức hội viên.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo tập huấn, TS.Lê Thị Kim Xuân, Trưởng VPĐD VNBA tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, môi trường tự nhiên và sản xuất xã hội có mối quan hệ khăng khít, tác động qua lại lẫn nhau. Môi trường tự nhiên cung cấp nguyên liệu và không gian cho sản xuất xã hội, quyết định và đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, ngay từ năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường đã được ra đời. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo vệ Môi tường số 55/2014/QH13 (Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014), nhằm thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường 2005. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, có một số nội dung mới phù hợp với các cam kết quốc tế về môi trường được bổ sung, như: tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường...

Về phía Chính phủ, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Còn về phía ngành ngân hàng, ngày 24/3/2015, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường & xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các NHTM trong việc thẩm định và ra quyết định tín dụng đối với các dự án xanh và bảo vệ môi trường, NHNN đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng Bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong 10 ngành cụ thể.

Trong vài năm gần đây, nhiều NHTM đã và đang thực hiện triển khai cấp tín dụng theo hướng tăng trưởng xanh, quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường xã hội, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mặt trời và các dự án sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hoạt động kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường và xã hội.

Qua phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Ngọc Linh, Chuyên gia tư vấn thuộc Công ty MCG đã làm rõ hơn về quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và bộ công cụ thẩm định rủi ro môi trường xã hội. Trong đó, tập trung vào đánh giá thế nào là rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động kinh doanh? Phân loại rủi ro môi trường xã hội…

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thịnh, Giám đốc tư vấn Dự án SolarBK chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi vay vốn ngân hàng đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo. Theo đánh giá của ông Thịnh, các ngân hàng đã đưa dự án năng lượng tái tạo vào danh mục ưu tiên đầu tư. Thực tế đã có nhiều ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn tài chính xanh cho năng lượng tái tạo với mức lãi suất tốt…

Bên cạnh những thuận lợi trên, ông Thịnh cho biết cũng gặp một số khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng cho các dự án năng lượng mặt trời, có thể kể đến như: Chỉ có một số ít ngân hàng có mẫu hồ sơ cho vay chuẩn; Yêu cầu thẩm định về mặt pháp lý phức tạp và máy móc; Chưa có cơ chế để giải quyết linh hoạt các vấn đề về hồ sơ; Chưa có kênh thông tin chính thống hỗ trợ nhà đầu tư thẩm định khách hàng…

Dưới góc nhìn của WWF Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Hương, Điều phối Chương trình Tài chính Bền vững của WWF Việt Nam cho biết, quản trị, thị trường và tài chính là nền tảng của các giải pháp bền vững. Trong đó, ngành Tài chính là một đòn bẩy cốt lõi để tác động đến chiến lược kinh doanh và các chuỗi cung ứng nhằm giảm các mối đe dọa của chúng đối với thế giới tự nhiên và cung cấp các cơ chế tài chính bảo vệ và khuyến khích các hệ sinh thái bền vững.

Tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thanh Hương cũng giới thiệu “Áp dụng khung Đánh giá Ngân hàng Bền vững trong ngành Năng lượng bao gồm Năng lượng tái tạo”, gồm: Danh mục - Công bố rủi ro ESG và các mục tiêu; Danh mục - đánh giá và giảm thiểu rủi ro ESG ở cấp độ danh mục;  Sản phẩm - Tích hợp ESG vào sản phẩm dịch vụ; Chính sách - Công bố các vấn đề ESG cụ thể; Chính sách - Công bố về ngành cụ thể.

Theo ý kiến của các đại biểu tham dự, nội dung hội thảo rất thiết thực và là kiến thức bổ ích giúp cho các NHTM nắm bắt và cập nhật để có thể tự tin hơn trong việc thẩm định đánh giá rủi ro môi trường xã hội và ra quyết định cấp tín dụng đối với các dự án “Năng lượng tái tạo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO