Doanh nghiệp

Đáo hạn trái phiếu năm 2024: Hàng loạt doanh nghiệp đến hạn trả nợ nghìn tỷ đồng

Đinh Thơm 27/02/2024 07:22

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một trong những rủi ro hiện hữu với thị trường trái phiếu trong năm 2024, nhất là khi khối lượng đáo hạn trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tới gần một nửa.

bonds.jpg
Ảnh minh họa

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau nửa đầu năm 2023 ảm đạm đã dần khởi sắc hơn từ nửa cuối năm nhờ những nỗ lực của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, áp lực với thị trường trong năm 2024 vẫn còn rất lớn khi khối lượng TPDN đáo hạn trong năm nay đạt đỉnh điểm với tổng giá trị đáo hạn lên tới gần 279,2 nghìn tỷ đồng, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản (gần 115,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 41,4%), theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA).

tp-dao-han-9867.png
Giá trị TPDN đáo hạn trong năm 2024 sẽ có "điểm rơi" nhiều nhất vào tháng 8 và 12/2024 - Nguồn: VBMA

Báo cáo thị trường trái phiếu tháng 1/2024 của FiinRatings cũng cho rằng, áp lực đáo hạn TPDN vẫn là một trong những rủi ro hiện hữu trong năm 2024. Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm này, ngoài giá trị trái phiếu riêng lẻ đến hạn lớn nằm ở nhóm bất động sản (135,9 nghìn tỷ đồng), thì giá trị trái phiếu đáo hạn của hai nhóm ngành khác là xây dựng và vật liệu; du lịch và giải trí cũng ở mức cao (lần lượt là 27,3 nghìn tỷ đồng và 24,3 nghìn tỷ đồng).

"Đây là những ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn và quan trọng hơn là chất lượng các tổ chức phát hành đã huy động trong các năm trước về cơ bản ở mức thấp và có nhiều công ty dự án với tiềm lực tài chính còn mỏng hoặc mới đi vào hoạt động", FiinRatings đánh giá.

Hàng loạt lô trái phiếu bất động sản nghìn tỷ đồng đáo hạn

Thực tế, dữ liệu trên chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong năm 2024 sẽ có hàng loạt lô trái phiếu nghìn tỷ đồng đáo hạn, trong đó có rất nhiều lô trái phiếu giá trị lớn được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết hoặc mới thành lập.

Điển hình là lô trái phiếu mã SDICB2124001 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An - tên thương mại The Global City - tại phường An Phú, TP. Thủ Đức) với tổng mệnh giá 6.574 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 15/12/2021 và sẽ đáo hạn vào ngày 15/12/2024. Đây cũng là lô trái phiếu có giá trị đáo hạn lớn nhất năm nay.

Một doanh nghiệp khác có hợp đồng mua bán bất động sản với SDI Corp là Công ty CP Đại Phú Hoà cũng có một lô trái phiếu trị giá 3.560 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 12/2024.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều lô trái phiếu giá trị lớn sẽ đáo hạn trong năm 2024, có thể kể đến lô trái phiếu mã GHICB2124001, trị giá phát hành 5.760 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Golden Hill (chủ đầu tư của dự án cao ốc tại số 87 đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đáo hạn vào ngày 15/4/2024.

Hay lô trái phiếu mã NAN12301 với giá trị phát hành 4.700 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nam An. Lô trái phiếu này phát hành vào tháng 3/2023 và sẽ đáo hạn vào tháng 9/2024.

Tương tự, một loạt lô trái phiếu bất động sản có trị giá trên 4.000 tỷ đồng khác cũng sẽ đáo hạn trong năm nay như: Lô trái phiếu mã SPN12301 của Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Phương Nam (trị giá 4.695 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 9/2024); lô trái phiếu mã LVR12301 của Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt (trị giá 4.100 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 11/2024); hai lô trái phiếu mã HYD22301 và HYD22302 của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên với giá trị phát hành lần lượt là 4.450 tỷ đồng và 2.750 tỷ đồng, đều đáo hạn vào tháng 3 tới.

tpdh.png
Số dư trái phiếu riêng lẻ dự kiến đáo hạn một số ngành trong năm 2024 và 2025 - Nguồn: FiinPro Platform

Ngoài ra, những lô trái phiếu bất động sản trên nghìn tỷ đồng đáo hạn trong năm 2024 cũng không phải là hiếm. Trong đó, lô trái phiếu mã DCTCH2124001 trị giá 2.000 tỷ đồng của Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam và lô trái phiếu mã ANKHANG2019-02 trị giá 1.000 tỷ đồng của Công ty TNHH Phát triển bất động sản An Khang đều sẽ đáo hạn vào tháng 6/2024; lô trái phiếu mã PTJ12301 trị giá 1.900 tỷ đồng của Công ty CP Phú Thọ Land sẽ đáo hạn vào tháng 8/2024; lô trái phiếu mã HTCH2024001 trị giá 1.400 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường và lô trái phiếu mã GLTCH2124001 trị giá 1.000 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành đều đáo hạn vào tháng 12/2024.

Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB - doanh nghiệp đứng sau thương hiệu bất động sản đô thị Ecopark - có một lô trái phiếu mã DBICB2124001 với tổng mệnh giá 1.360 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 10. Hay Công ty TNHH Đầu tư Big Gain có hai lô trái phiếu với tổng trị giá 2.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 6 và 7 năm nay…

Trái phiếu đáo hạn lớn làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp

Ở nhóm doanh nghiệp xây dựng và vật liệu, 2024 cũng là năm nhiều doanh nghiệp phải xoay xở để trả nợ các lô trái phiếu nghìn tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam có ba lô trái phiếu đáo hạn trong năm nay với tổng giá trị 4.100 tỷ đồng, bao gồm 2.000 tỷ đồng của mã trái phiếu TNGCB2224003 (đáo hạn vào tháng 4/2024), 2.000 tỷ đồng của mã trái phiếu TNGCB2124001 (đáo hạn vào tháng 5) và 100 tỷ đồng của lô trái phiếu TNGCH2224005 (đáo hạn vào tháng 7).

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng còn 1.300 tỷ đồng dư nợ gốc của lô trái phiếu mã VCGH2124011, đáo hạn vào tháng 6/2024. Đây là lô trái phiếu được công ty phát hành hồi tháng 6/2021 có tổng mệnh giá phát hành 2.500 tỷ đồng, đã được công ty mua lại trước hạn 1.200 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư và dịch vụ HELIOS còn hai lô trái phiếu HELIOS.BOND.01.2019.1000(1) và HELIOS.BOND.01.2019.1000(2) với giá trị lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 6 và 8/2024.

danh-viet-7135.png
Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt có tới 8 lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 8/2024

Ở nhóm doanh nghiệp du lịch và giải trí, trong năm nay Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt có tới 8 lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 8 với tổng giá trị hơn 3.400 tỷ đồng, trong đó, lô trái phiếu mã DANHVIETL2024202 có giá trị lớn nhất (1.500 tỷ đồng).

Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương cũng có hai lô trái phiếu mã DRT12103 và DRT12104 với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 9 và tháng 10 năm nay.

Trong khi đó, tháng 4 năm nay sẽ là thời điểm đáo hạn của hai lô trái phiếu VPLB2024002 và VPLB1924001 (mỗi lô 1.000 tỷ đồng) của Công ty CP Vinpearl. Trong giai đoạn 2018-2020 doanh nghiệp này đã phát hành hàng chục lô trái phiếu nhưng đều đã mua lại đúng hạn.

Với khối lượng trái phiếu đáo hạn ít hơn, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hoa Lâm An sẽ có 700 tỷ đồng nợ trái phiếu phải thanh toán vào tháng 12/2024 hay Công ty CP Crystal Bay có lô trái phiếu 450.00 đáo hạn vào tháng 11.

Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác có các lô trái phiếu trị giá hàng trăm tỷ đồng sẽ đáo hạn trong năm 2024.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Nghiên cứu rủi ro tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững FiinRatings cho rằng, việc TPDN đáo hạn tăng mạnh trong năm 2024 sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định cho thị trường trái phiếu. Trước hết là tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn tiền để trả nợ gốc và lãi trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp trong đó có thể gặp khó khăn do tình hình kinh doanh chưa thể hồi phục về nhiều lý do khác nhau.

nguyen-tung-anh-7899.jpg
Ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Nghiên cứu rủi ro tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững FiinRatings

Tuy nhiên, đại diện FiinRatings cũng cho rằng hầu hết là các lô trái phiếu đã được phát hành từ những giai đoạn sôi động từ năm 2021 và trong đó nhà đầu tư cần lưu ý các tổ chức phát hành là các công ty dự án. Do đó, việc trái chủ cần theo dõi tiến độ pháp lý của dự án và khả năng triển khai mở bán hoặc rà soát khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ của họ để có những giải pháp phù hợp hoặc thậm chí đánh giá khả năng thực hiện giao dịch trên HNX nếu như lô trái phiếu đó có thanh khoản.

Đại diện FiinRatings cũng cho rằng trên phạm vi toàn hệ thống thì rủi ro đó có thể dần được kiểm soát khi mà các bên nỗ lực tái cấu trúc và có phương án phù hợp. Bởi lẽ, những lô phát hành trong năm 2023 thì chất lượng tổ chức phát hành đã cải thiện rõ nét theo yêu cầu của quy định mới từ Nghị định 65 cũng như việc thị trường đã rút ra bài học và chủ yếu là các doanh nghiệp có hồ sơ tín dụng khá hơn và minh bạch hơn đã tham gia phát hành.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng rủi ro xấu nêu trên sẽ rất khó diễn ra, đặc biệt khi các cơ quan quản lý thị trường đã chủ động giám sát và đặc biệt là đã có những bước đi chính sách hợp lý, tập duyệt để chuẩn bị cho năm 2024. Ở tầm rộng hơn, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hợp lý, gia tăng cơ hội khôi phục sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu. Do đó, tôi cho rằng chúng ta có thể lạc quan về sự phục hồi ‘chậm mà chắc’ của thị trường”, ông Nguyễn Tùng Anh nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đáo hạn trái phiếu năm 2024: Hàng loạt doanh nghiệp đến hạn trả nợ nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO