ĐBQH đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô

Thanh Hải| 07/11/2022 15:17
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội trong phiên họp sáng ngày 7/11 về dự thảo Nghị quyết “thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá", một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc hạn chế quyền của người trúng đấu giá sẽ không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá. Để tăng tính hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đại biểu khuyến nghị nên xem xét mở rộng quyền của người trúng đấu giá.

Phiên họp thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về nội dung này với 209 lượt đại biểu phát biểu. Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có báo cáo tổng hợp thảo luận tại tổ.

Tờ trình và Báo cáo thẩm tra đều thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị quyết với 5 chính sach đáp ứng yêu cầu người dân, bảo đảm công khai minh bạch trong quản lý, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời có tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Nên quy định biển số trúng đấu giá là tài sản của cá nhân

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự thảo Nghị quyết lần này coi biển số xe ô tô là tài sản công dưới dạng tài sản đặc thù mà không phải giấy chứng nhận tài liệu của nhà nước. Thực tế, đến nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định thế nào là tài sản đặc thù mà chỉ có Thông tư số 162 của Bộ Tài chính quy định về tài sản cố định đặc thù.

Như vậy, tài sản đặc thù là tài sản gì hay vẫn được coi là tài sản như quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự. Theo đó, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản khi được coi là tài sản thì có quyền tài sản theo quy định của Điều 115 Bộ luật Dân sự và quyền sở hữu tài sản được quy định tại 158 Bộ luật Dân sự…

Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết một mặt quy định biển số ô tô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển xe ô tô được cấp theo hình thức trúng đấu giá. “Như vậy là mâu thuẫn, nếu đã coi biển số ô tô là tài sản thì phải tuân theo những quy định của Bộ luật Dân sự về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản để những quy định trong hệ thống pháp luật được thống nhất”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu, biển số xe ô tô cũng như số điện thoại, là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do nhà nước quản lý không có văn bản nào quy định nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế.

Nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, chủ trương đấu giá biển số ô tô nhằm bổ sung ngân sách đối với số tiền thu được sẽ rất hạn chế, không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá. Do đó, đại biểu đề nghị: “mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô”.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trịnh Minh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị, nên quy định biển số trúng đấu giá là tài sản của cá nhân. Người trúng đấu giá có các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do hạn chế quyền tài sản của người dân sau khi trúng đấu giá là theo quy định của pháp luật nào?.

Ngoài ra, đại biểu Trịnh Minh Bình cũng đề nghị bổ sung quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số xe để gắn sang xe khác trong trường hợp xe bị hỏng, bị mất, bị thu hồi. Đồng thời, cho thừa kế, biển số trúng đấu giá và người thừa kế đăng ký, biển số xe như là tài sản thừa kế, quy định trong trường hợp 12 tháng người trúng đấu giá chết, thực hiện theo quy định pháp luật thừa kế tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ người được thừa kế có phải trả lại biển số trúng đấu giá; được quyền cầm cố, thế chấp, cho thuê, cho mượn hay không?.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ băn khoăn liệu số xe trúng đấu giá đã nhận chuyển nhượng sẽ được dùng vào việc gì và cơ quan chức năng quản lý biển số xe này như thế nào?. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng: “quy định người nhận chuyển nhượng được phép giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác của mình như quyền của người đã trúng đấu giá sau khi chuyển nhượng, cho, tặng xe của mình cho người khác”.

Cần tiêu chí cụ thể về biển số đưa ra đấu giá

Góp ý dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Nghị quyết đưa ra mức giá khởi điểm chung là 40 triệu đồng, không phân biệt vùng. Đây là quy định hợp lý, đảm bảo công bằng cho người đấu giá trên mọi miền tổ quốc. Quy định về cấp quyền đăng ký cũng phù hợp, đảm bảo lợi ích của người dân, tuy nhiên cần có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn, đảm bảo thuận tiện cho người dân.

Tuy nhiên, để bảo đảm rõ ràng, minh bạch, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị: “cần quy định rõ, đưa tất cả các đầu số ra đấu giá, hay lựa chọn để đấu giá. Nếu lựa chọn thì tiêu chí chọn các biển số đem đấu giá cần có quy định rõ ràng, cụ thể. Việc quy định tiêu chí càng cụ thể thì càng thuận tiện khi đưa vào áp dụng”.

Trong khi đó, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự tán thành với việc Bộ Công an quy định tất cả các biển số trong kho đều đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, với những biển số chưa đấu giá thành công, gửi trả lại kho số để chờ bấm biển, đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục đem ra đấu giá lại nếu có yêu cầu từ phía người dân…

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị, tại Điểm b, khoản 1, Điều 1 còn bỏ quy định không đưa biển số xe hoạt động kinh doanh vận tải ra đấu giá, nên cần thiết phải đưa biển số xe hoạt động kinh doanh vận tải vào đối tượng phải đấu giá. Theo đại biểu, đây là nhu cầu cần thiết của các đối tượng kinh doanh, trong thực tế các đối tượng kinh doanh thường có quan niệm chọn số đẹp, số may mắn, số phát tài phát lộc, các số gắn với các ngày kỷ niệm với mong muốn là gắn với hoạt động kinh doanh của mình.

Cũng theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, dự thảo Nghị quyết có hiệu lực trong 3 năm nhưng không có quy định điều chỉnh đối với đối tượng xe hoạt động kinh doanh vận tải. Điều này sẽ làm hạn chế quyền lựa chọn theo nhu cầu của người dân. Do đó, cần phải xem xét, nghiên cứu bổ sung để thực hiện thí điểm đối với đối tượng này.

Đồng thời, cần quy định cụ thể bộ máy vận hành của Nhà nước trong việc tổ chức đấu giá biển số để tránh trường hợp phát sinh nhiều chi phí quản lý, nhiều chi phí hoạt động, tránh trường hợp thu được đấu giá chỉ đủ để vận hành bộ máy đấu giá. Tiền thu được đưa về cho ngân sách Nhà nước không được là bao nhiêu dẫn đến làm giảm hiệu quả của Nghị quyết.

Để tăng tính minh bạch nguồn thu trong quá trình đấu giá, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị, phân chia hai cấp ngân sách từ nguồn thu thông qua đấu giá. Theo quy định trong dự thảo Nghị quyết và Nghị định không đề cập đến phân chia nguồn thu nên như vậy số thu sẽ về ngân sách trung ương 100%.

“Nguồn thu từ đấu giá quyền chọn biển số nên phân chia hai cấp ngân sách trung ương và địa phương theo tỷ lệ 40-60. Điều này cũng công bằng giữa các địa phương, nơi đăng ký nhiều xe thì nhu cầu đầu tư cho hoạt động đảm bảo an toàn giao thông lớn hơn. Việc phân chia hai cấp ngân sách cũng là cách thức để khoản thu này tăng tính minh bạch”, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị.

Giải trình các vấn đề ĐBQH quan tâm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết,  Bộ sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo lên Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, cử tri để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Quốc hội thông qua theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO