Để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội

Hà Phương| 25/02/2022 17:10
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô vừa ban hành xác định mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Đầu tư phát triển 12 lĩnh vực giàu tiềm năng

Theo Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành, mục tiêu đặt ra là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỉ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

 Cần có nhiều thương hiệu để phát triển thị trường công nghiệp văn hóa cho Hà Nội

Theo đó, thành phố tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản..., phù hợp với thực tiễn và từng giai đoạn cụ thể.

Những bộ phim bom tấn, những điểm đến di sản, những làng nghề độc đáo hay các sản phẩm trò chơi giải trí, truyền hình…, tất cả đều có thể là những tài sản mang đến doanh thu tầm cỡ cho Hà Nội, như nhiều cường quốc về công nghiệp văn hóa trên thế giới đã thực hiện.

Mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố. Đến năm 2030, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố. Đến năm 2045, phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Hà Nội xác định hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó, quan trọng hàng đầu là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa có trình độ chuyên môn cao, thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Thành phố cũng tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa. Đồng thời, tăng cường hợp tác, hội nhập với các thành phố của các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh nhằm đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực; triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung về di sản văn hóa, thành phố sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa…

Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa

Tiềm năng dồi dào, mục tiêu lớn, bởi vậy còn nhiều việc đang đặt ra để Hà Nội thực sự có thể đưa các ngành công nghiệp văn hóa trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp tỉ trọng lớn trong phát triển kinh tế của Thủ đô.

Các chuyên gia văn hóa nhận định, thế mạnh của Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa rất phong phú và giàu có, thế nhưng lâu nay chưa được khai thác mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực còn mờ nhạt. Riêng trong lĩnh vực di sản, TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, đây chính là thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa, với “vốn” di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội cũng sẽ trở thành miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản. Thủ đô cũng đã có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa - tiềm năng của công nghiệp văn hóa.

Phát biểu tại một hội thảo về phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, Trưởng đại diện chương trình hợp tác giữa vùng Ile de France (Pháp) và TP Hà Nội - Emanuel Cerise cho rằng: “Hà Nội giống Paris ở chỗ không chỉ có thế mạnh ở nội đô, mà còn có khu vực ngoại ô giàu tiềm năng, có nhiều di sản văn hóa truyền thống hấp dẫn. Hà Nội nên thúc đẩy khách du lịch không chỉ tập trung tới nội đô mà cần mở rộng ra xung quanh, tạo thành vùng thủ đô như khu vực sông Hồng. Con sông này là dòng chảy văn hóa, kết nối công nghiệp văn hóa với các ngành công nghiệp khác. Phố đi bộ Hoàn Kiếm cũng là sáng kiến quan trọng, cần phát triển nhiều tuyến phố tương tự”.

Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonion Alessandro cũng nhấn mạnh: “Hà Nội không giống bất kỳ thành phố nào khác ở Đông Nam Á bởi sở hữu nền tảng văn hóa lâu đời và có danh tiếng trên thế giới. Hà Nội cần tổ chức nhiều sự kiện lớn ở tầm quốc tế hơn nữa…”.

Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô nêu rõ, để hiện thực hóa việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, có sự phát triển cả về chất và lượng, đạt mục tiêu Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước, tạo động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới, Hà Nội vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó, việc đầu tư, khơi thông nguồn lực văn hóa, lịch sử cho phát triển kinh tế- xã hội còn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa thiếu đồng bộ. Sự tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác thế mạnh văn hóa chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện.

Trong số rất nhiều đầu việc, nhiều mục tiêu đặt ra, giải pháp phát triển thị trường công nghiệp văn hóa được xem là một giải pháp trọng tâm. Theo đó, Hà Nội chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế như ở khu vực đô thị, làng nghề truyền thống, thông qua các chương trình đào tạo hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế.

Thúc đẩy phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, bên cạnh đổi mới tư duy, Hà Nội cũng tập trung đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới; nâng cấp kết cấu hạ tầng về công nghiệp văn hóa; lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội. “Lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội với cả nước và thế giới, kết hợp với du lịch, các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước…”, Nghị quyết nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội đưa ra giải pháp tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Theo đó, xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội nhằm tạo môi trường ươm mầm và nuôi dưỡng các tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, kết nối các không gian sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm. Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo tại Hà Nội tạo hệ sinh thái phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO