Các Hiệp hội ngành, nghề

Để hạn chế bỏ cọc cần đưa thương lái vào chuỗi cung ứng

08/03/2024 - 13:02

Khoảng một tuần nay giá lúa đã tăng trở lại và đang ổn định ở mức 7.700 - 7.900 đồng/kg đối với lúa OM18 và Đài thơm 8. Hiện có rất nhiều người muốn mua vào vì lo ngại sắp qua cao điểm thu hoạch rộ, nguồn cung trên thị trường không còn dồi dào như trước giá lúa sẽ tăng. Dự kiến, sắp tới đây nguồn tiêu thụ vẫn có nhiều và đều nên giá lúa sẽ còn tăng thêm.

ban-lua-o-xa-phu-long-phu-tan-ag-resize.jpg
Để hạn chế bỏ cọc cần đưa thương lái vào chuỗi cung ứng - Ảnh minh họa

Giá lúa gạo Việt Nam sau chuỗi ngày sụt giảm mạnh nay đã tăng lên và dần ổn định trở lại.

Theo AgroMonitor, chiều ngày 6/3/2024, nhu cầu gạo IR50405, OM380 nhiều, hút hàng. Lúa gạo về nhiều dẫn đến thiếu ghe vận chuyển ở nhiều nơi. Giá thuê ghe, xà lan và chi phí sấy tăng từ 10 - 30 đồng/tấn. Một số kho mua vào gạo xô vững giá so với ngày 5/3, số khác tăng nhẹ. Gạo trắng nhà máy chào nhiều, giá tăng.

Ông Trần Quốc Phương, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Hiệp Tài cho biết, khoảng một tuần nay giá lúa gạo đã tăng trở lại và hiện giờ đang ổn định ở mức 7.700 - 7.900 đồng đối với lúa OM18 và Đài thơm 8. Hiện có rất nhiều người muốn mua vào do lo ngại qua cao điểm thu hoạch rộ, nguồn cung lúa trên thị trường sẽ không còn dồi dào như trước và giá lúa sẽ tăng.

"Sắp tới đây nếu nguồn tiêu thụ vẫn có nhiều và đều như năm ngoái thì tôi nghĩ rằng giá lúa sẽ còn tăng thêm", ông Phương nói.

Đưa thương lái vào chuỗi cung ứng, hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi cho họ

Dù có thời điểm giá giảm nhưng đến nay giá lúa vẫn giữ trên, dưới 8.000 đồng/kg lúa tươi, theo các doanh nghiệp năm 2023 nông dân được hưởng lợi về giá là do những tác động của lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ trước nên phải mua bằng bất cứ giá nào để giao còn năm 2024 thị trường đòi hỏi Việt Nam phải cân đối theo giá mua của nước nhập khẩu.

Câu chuyện giá lúa giảm thương lái bỏ cọc ngay trong vụ thu hoạch lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long như vừa qua đặt cho ngành lúa gạo trước yêu cầu cần có giải pháp ổn định ngành hàng. Bởi nếu không có giải pháp hiệu quả thì ngành lúa gạo sẽ mất cơ hội xuất khẩu, không đảm bảo được lợi ích cho người nông dân, Chỉ thị số 10/CT-TTg mới đây của Thủ tướng Chính phủ đặt ra nhiệm vụ cho các bên đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa, gạo trong bối cảnh những thị trường lớn vẫn tăng nhập khẩu gạo.

Vấn đề đặt ra hiện nay là tổ chức thu mua chế biến phải kịp thời theo mùa vụ để chủ động cung ứng cho thị trường. Theo Chỉ thị số 10 của Thủ tướng cùng với việc tạo điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp sửa đổi bổ sung Nghị định về điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu gạo thì việc đưa thương lái vào chuỗi lúa gạo là yêu cầu đặt ra để chấm dứt tình trạng thương lái bỏ cọc như trong thời gian qua.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng, sự liên kết giữa thương lái với một bên là doanh nghiệp, một bên là bà con nông dân thì vai trò của họ ràng buộc về mặt quyền lợi cũng như nghĩa vụ, vì vậy, cần phải có những xem xét thấu đáo hơn để làm sao đưa thương lái vào trong chuỗi cung ứng và hỗ trợ cũng như đảm bảo quyền lợi cho họ.

Còn theo ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng cục chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, đối với hoạt động xuất khẩu gạo đang có 2 vấn đề, một là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường ký hợp đồng trước sau đó mới về đi thu mua thì sẽ rất chậm. Hai là xác định được nguồn cung và định hướng về giá cả thì sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều.

El Nino dự báo sẽ kéo dài, hạn mặn còn tiếp tục tác động đến đồng bằng sông Cửu Long khiến vụ Hè Thu có thể bị sụt giảm sản lượng, vì thế những giải pháp trữ lúa, bình ổn giá lúa ngay vụ Đông Xuân rất quan trọng. Khi có giải pháp sản xuất kinh doanh hiệu quả kết hợp với đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao phát thải thấp đang triển khai sẽ giúp cho thị trường lúa gạo dần đi vào ổn định, và không còn xảy ra chuyện bỏ cọc của các thương lái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để hạn chế bỏ cọc cần đưa thương lái vào chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO