Các Hiệp hội ngành, nghề

Đề xuất Chính phủ sớm thông qua cơ chế sandbox

Hương Trang 10/07/2023 - 15:02

Trong buổi làm việc chiều tối ngày 6/7/2023 tại Trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì về tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM) trên cơ sở nghiên cứu các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang gặp phải tại Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất trong đó có kiến nghị Chính phủ sớm thông qua cơ chế thử nghiệm (sandbox).

Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm 30% GDP vào năm 2030.

thu-tuong-lam-viec-doanh-nghiep-nho.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của thường trực chính phủ với ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: VGP

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về quá trình chuyển đổi số quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa về đổi mới, sáng tạo đã có nhiều quyết tâm và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế số. Tuy nhiên, các doanh nghiệp SME còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cản trở đến việc triển khai ý tưởng, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lý giải: thứ nhất, nguồn lực của SME đổi mới sáng tạo còn hạn chế, thường là dạng doanh nghiệp siêu nhỏ, thứ hai là sử dụng hoàn toàn bằng vốn tự có, khó tiếp cận vốn bằng đòn bẩy ngân hàng, thị trường vốn cho doanh nghiệp dạng này chúng ta chưa có nền tảng pháp lý đầy đủ nhất là hình thức gọi vốn cộng đồng hay cho vay ngang hàng.

Về khuôn khổ pháp lý chung, hiện chưa có luật định nghĩa rõ ràng SME khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Luật Doanh nghiệp và Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên dù Chính phủ đã có quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp SME nhưng các Nghị định, thông tư khi đi vào triển khai hỗ trợ nhóm này đều vướng từ Luật nên khó khăn trong công tác triển khai hỗ trợ.

Một số Luật như Luật Tổ chức tín dụng cũng chưa định nghĩa rõ các khoản vay cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Liệu rằng trong Luật tổ chức tín dụng có mở rộng được các đối tượng của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính cho phép tài trợ đối với cộng đồng doanh nghiệp nhóm này được hay không. Trong khi các công ty này chỉ thu mua được tài sản, máy móc dây chuyền đối với doanh nghiệp sản xuất, văn phòng, còn nền tảng số rất quan trọng thì chưa có cơ chế tiếp cận.

Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam đề xuất Chính phủ có thể xem xét để cho phép hình thành các tổ chức vi mô trung gian tài trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa về đổi mới, sáng tạo. Hiện Nghị định Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đã có dự thảo lần 2. Nếu cơ chế thử nghiệm (sandbox) được thông qua, trong cộng đồng doanh nghiệp có thể tự tài trợ, kết nối vốn với nhau, hoặc là chia sẻ nguồn lực hợp pháp, giảm bớt gánh nặng cho ngành Ngân hàng.

Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ tham khảo bài học thành công của Singpore khi luôn là điểm sáng của khu vực ASEAN thu hút gần một nửa tổng số vốn đầu tư vào ngành Fintech trong toàn khu vực ASEAN (theo báo cáo Fintech 2022), trong khi Việt Nam chỉ chiếm 5%.

Thứ nhất, Chính phủ Singapore đã dành các gói hỗ trợ lớn cho các công ty Fintech (thiết lập một nền tảng số duy nhất, một trung tâm đổi mới công nghệ tài chính quy mô rộng lớn). Thứ hai, quan điểm Chính phủ Singapore coi các công ty Fintech ra đời là sự cộng sinh với các ngân hàng và các công ty tài chính, không phải để cạnh tranh với ngân hàng. Từ đó, các công ty Fintech giúp tăng hiệu quả vay vốn và trách nhiệm của người đi vay đối với các dịch vụ tài chính cốt lõi. Thứ ba, từ năm 2016, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã ban hành cơ chế sandbox nhằm điều tiết và thử nghiệm các ứng dụng công nghệ tài chính mới. Từ năm 2017, tại Singapore, đã có rất nhiều công ty đạt yêu cầu Sandbox và được mở rộng quy mô phát triển.

Kết luận buổi làm việc, về vướng mắc pháp lý trong tiếp cận vốn vay, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đang chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo, đề xuất Quốc hội, những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ làm, các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành làm.

Chính phủ sẽ rà soát lại các Quỹ, tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ về đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp và cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất Chính phủ sớm thông qua cơ chế sandbox
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO