Khu thương mại tự do TP. Đà Nẵng sẽ là khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế; là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư và được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho TP. Đà Nẵng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Theo đó, dự thảo đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại TP. Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Khu thương mại tự do TP. Đà Nẵng là khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế; là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư và được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho TP. Đà Nẵng kể từ thời điểm Khu thương mại tự do TP. Đà Nẵng được thành lập.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng quyết định chủ trương đầu tư và thành lập Khu thương mại tự do. Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đối với khu vực Khu thương mại tự do theo quy hoạch thành phố đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, mặt nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư để xây dựng Khu thương mại tự do. Nhà đầu tư được lựa chọn đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu thương mại tự do được giao đất, cho thuê đất và cho thuê lại đất như đối với khu kinh tế hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách của Khu thương mại tự do TP. Đà Nẵng theo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện, bảo đảm cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quản lý.
Khu thương mại tự do TP. Đà Nẵng hình thành sẽ tạo cơ hội kiến tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng động lực miền Trung nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng. Đồng thời, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của Cảng Liên Chiểu góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, đa dạng hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của TP. Đà Nẵng.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.
Dự thảo nêu rõ, tín chỉ các-bon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. UBND thành phố phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ các-bon.
UBND thành phố ban hành trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100%; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.
Hội đồng nhân dân thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.