Văn hóa

Đến với làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr của đại ngàn A Lưới

Thanh Loan 03/09/2024 08:32

Những năm qua, đồng bào Pa Cô ở xã Hồng Kim, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng để tạo sinh kế bền vững. Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) hay A Roàng cũng đã trở thành điểm du lịch cấp tỉnh, là sản phẩm OCOP của A Lưới.

A Lưới là huyện vùng núi biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế, với tỉ lệ gần 77% dân cư là đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy…

Với những nỗ lực trong công tác giảm nghèo thời gian qua, tỉ lệ hộ nghèo ở A Lưới đã giảm từ 49,98% năm 2021 xuống còn 24,3% cuối năm 2023. Bình quân giảm 8,56%/năm, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ đề ra (hàng năm giảm từ 4-5%).

Đóng góp vào kết quả tích cực đó không thể không nhắc tới mô hình du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển ở nhiều bản làng thuộc huyện Alưới.

b21e3bc1f8ee5fb006ff.jpg

Làng A Nôr (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) bắt đầu các hoạt động đón khách từ những năm 2010 nhưng chủ yếu là hoạt động nhỏ lẻ, chưa có nhiều cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu. Từ năm 2018, điểm du lịch ở A Nôr được huyện A Lưới đầu tư xây dựng bài bản dựa trên khai thác các thế mạnh về thiên nhiên, cảnh quan núi rừng, suối thác và văn hóa đặc trưng của đồng bào Pa Cô.

Trong các dịp nghỉ lễ, cuối tuần, những dòng khách cứ nườm nượp đến với làng du lịch sinh thái A Nôr. Khu du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr đã có 10 cơ sở lưu trú (homestay) đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện 21 hộ dân ở đây tham gia hoạt động khai thác du lịch, ngoài các hộ có cơ sở lưu trú thì những hộ dân khác cũng khai thác các dịch vụ trải nghiệm đặc trưng của đồng bào địa phương.

Trường Sơn mang trong mình những câu chuyện huyền bí của đại ngàn. Với người dân nơi đây, rừng như người mẹ, người cha lớn ôm ấp, chở che cho bao thế hệ đồng bào cái ăn, cái mặc. Giờ đây, người dân đã biết đưa khách du lịch đến quê hương mình nhờ sự hấp dẫn của thiên nhiên hoang dã và chính văn hóa dân tộc độc đáo.

anor-1.jpg

Làng A Nôr từng bước tiếp cận với cách làm du lịch mới như cách trang trí, cách phục vụ nơi ăn, chốn nghỉ cho du khách. Nhưng điều quan trọng, dù có thay đổi trong cung cách phục vụ thì người dân ở đây vẫn giữ nguyên sự mộc mạc giản dị, sự nhiệt thành rộng mở. Du khách mỗi khi tới đây vẫn luôn được sống trong sự nồng nàn đắm đuối của đất và người Pa Kô.

Theo lời kể của già làng, thung lũng nhỏ xanh mướt nằm ngay dưới chân thác A Nôr từ xa xưa đã được dòng họ Kêr Pa Kô lựa chọn làm nơi an cư lạc nghiệp, trước kia mang tên Panon - A Nôr, sau đổi thành A Nôr - Việt Tiến.

Ngôi làng mang đậm nét văn hóa của người dân tộc Pa Kô với những tập tục như: tắm thác, xông răng bằng lá dân gian, gội đầu bằng lá rừng ngay tại thác A Nôr ba tầng trắng xóa. Dẫu trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thiên nhiên và con người nơi đây vẫn giữ được những nét bình dị, nguyên sơ cùng với những tập tục đặc sắc, làm xiêu lòng du khách ghé thăm.

72cec9100a3fad61f42e.jpg

Buổi tối, du khách sẽ được hòa mình vào nếp sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc, hòa mình trong ánh lửa bập bùng cùng những điệu múa dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, cùng thưởng thức những món đặc sản đặc trưng văn hóa ẩm thực nơi đây bên chững chén rượu cần thơm nồng của vùng A Lưới.

Hiện nay trên địa bàn huyện A Lưới đã và đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp trải nghiệm cảnh quan sinh thái và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi… Nổi bật như: Làng du lịch sinh thái cộng đồng ở A Nôr (xã Hồng Kim); mô hình du lịch cộng đồng ở A Roàng (xã A Roàng); điểm du lịch sinh thái suối Pâr Le (xã Hồng Hạ)…

Các hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, và quan trọng hơn là đã làm thay đổi nhận thức người dân trong việc phát huy giá trị về văn hóa, môi trường cộng đồng địa phương và mang đến du khách sản phẩm du lịch riêng…

Ông Trần Quang Hào, Thành viên Du lịch Cộng đồng Việt Nam, cho hay: Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng góp phần đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kho báu văn hóa của các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng một cách khoa học và hiệu quả. Qua đó giúp tạo việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng làng xã. Đây được xem là con đường phát triển kinh tế bền vững giúp nâng cao sinh kế của bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn từ rừng, hạn chế việc làm nương làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho biết: khi xây dựng các làng du lịch cộng đồng thì căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng từng địa phương để khai thác và dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch với tiêu chí du lịch xanh, du lịch bền vững. Ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền thì việc lựa chọn khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó, từ đó sẽ phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới.

"Cái khó khi tham gia làm du lịch cộng đồng chính là chữ “Cộng đồng”. Muốn phát triển được du lịch cộng đồng thì cần nhìn nhận rõ nhất giá trị của cộng đồng từ đó lựa chọn ra giá trị để khai thác và tạo sản phẩm du lịch. Song hành với việc đó chính là giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, để phát triển bền vững cũng như định hướng cộng đồng làm du lịch bài bản", ông Quỳnh nhấn mạnh.

Được biết, với vai trò tư vấn, Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam tư vấn rất nhiều những mô hình du lịch cộng đồng. Nhưng trực tiếp triển khai thì đã có A Nôr của Huế là mô hình được đánh giá cao, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam khen tặng là làng du lịch phát triển vì cộng đồng.

Nói về du lịch cộng đồng các chuyên gia du lịch đều có chung quan điểm: Muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến với làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr của đại ngàn A Lưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO