Tin hội viên

ĐHCĐ TPBank 2023: Dự kiến tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, trả cổ tức 39,19%

T.H 26/04/2023 12:02

Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023. Đại hội đã thông qua nhiều kế hoạch kinh doanh quan trọng trong năm 2023, trong đó có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng.

adt_2456.jpg
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023

Báo cáo hoạt động nhiệm kỳ 2018 – 2023 và định hướng hoạt động nhiệm kỳ 2023 – 2028 của Hội đồng Quản trị (HĐQT), ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, trong nhiệm kỳ, TPBank đã thực hiện thành công Phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu năm 2016 – 2020 theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, nâng quy mô ngân hàng tới hết năm 2022 có tổng tài sản lên trên 328.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế vượt mức 7.800 tỷ đồng, nợ xấu luôn được duy trì ở mức thấp dưới 1%, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, năng lực tài chính được cải thiện vượt trội.

Báo cáo thêm về kết quả hoạt động và chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 và kế hoạch kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của TPBank đạt 328.600 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với thời điểm cuối năm 2021.

Tổng thu nhập hoạt động thuần năm 2022 đạt 15.617 tỷ đồng, trong đó: thu nhập lãi thuần đạt 11.387 tỷ đồng, chiếm 72,9%; thu nhập thuần ngoài lãi đạt 4.229 tỷ đồng, chiếm 27,1%.

Lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng đạt 9.672 tỷ đồng. Trong năm 2022, ngân hàng đã trích lập 1.844 tỷ đồng dự phòng rủi ro, trong đó dự phòng chung 140 tỷ đồng, dự phòng cụ thể là 1.704 tỷ đồng.

Huy động vốn thị trường 1 tại ngày 31/12/2022 đạt 215.390 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng đạt 35.180 tỷ đồng, chiếm 15,5% huy động thị trường 1. Huy động bằng ngoại tệ đạt 6.924 tỷ đồng, chiếm 3,2% trên huy động thị trường 1.

min_0935.jpg
Toàn cảnh ĐHĐCĐ TPBank 2023

Về mục tiêu kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Hưng cho biết, Ban lãnh đạo TPBank trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với mục tiêu lợi nhuận đạt mức 8.700 tỷ đồng, tăng 11% so với mức thực hiện năm 2022.

Tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên 350.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 6% lên 306.960 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu ở mức dưới 2,2% và tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,6%. ROE là 20,63%.

Ban lãnh đạo TPBank nhận định 2023 là một năm tương đối khó khăn với hoạt động ngân hàng khi điều kiện nền kinh tế và thị trường tài chính ngân hàng có nhiều biến động, room tín dụng tiếp tục bị giới hạn, ngân hàng sẽ tập trung vào việc cơ cấu lại danh mục tăng thu lãi đồng thời tìm cách giảm giá vốn đầu vào để cải thiện biên lãi thuần, tăng cường bán chéo sản phẩm, gia tăng thu nhập ngoài lãi.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận sau thuế đạt gần 6.261 tỷ đồng, TPBank dự kiến trích 313 tỷ cho quỹ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và 5 tỷ cho quỹ khen thưởng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đề xuất trích hơn 2.102 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận để lại chưa phân phối của năm 2022 là gần 3.215 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đệ trình cổ đông, ngân hàng này có kế hoạch trích 6.199 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 39,19% cho tổng số cổ phiếu lưu hành.

Tỷ lệ chia cổ tức 39,19% được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối lũy kế đến năm 2021 là 1.535,905 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 2.560,965 tỷ đồng, số còn lại là 2.102,030 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.

Về tăng vốn điều lệ. TPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỷ đồng, lên 22.016 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo đó, TPBank sẽ phát hành gần 619,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 39,19%. Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2023, tùy thuộc vào quá trình xét duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về: Vì sao ngân hàng không chia cổ tức, tăng vốn điều lệ 50% thay vì 39%?. Ông Đỗ Minh Phú cho biết, việc chia cổ tức, tăng vốn phải xem xét dựa trên vốn chủ sở hữu có thể để chia cổ tức, tăng vốn.

“Chúng tôi đã cân đối, thấy việc tăng 39% là phù hợp và không muốn tăng hết mà phải để dự trữ để phục vụ các kế hoạch. Thông thường các ngân hàng chỉ tăng 20% vốn điều lệ. Tính đến 31/12/2022 chúng ta có hơn 32.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, do đó chúng ta vẫn có thể tăng tiếp trong các năm tiếp theo”, ông Đỗ Minh Phú chia sẻ.

Với câu hỏi về việc ngân hàng có chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong những năm tới không?. Ông Đỗ Minh Phú cho biết, trước thềm ĐHĐCĐ, các cổ đông đã được nhận cổ tức bằng tiền mặt với tổng quy mô chi trả là 4.000 tỷ đồng. Đây là một con số khá lớn.

Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Đỗ Minh Phú cho biết, mỗi ngân hàng có một định hướng khác nhau về việc phân phối lợi nhuận, còn TPBank sẽ sử dụng lợi nhuận để chia cho các cổ đông.

Kể từ năm 2023 đến năm kế tiếp, nếu vẫn có kết quả kinh doanh ấn tượng, TPBank sẽ duy trì cổ tức theo 2 phần là cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu. Trong đó, cổ tức bằng tiền mặt vẫn chiếm 1 phần đáng kể và sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của ngân hàng.

Hiện thực hóa mục tiêu 2023, tại báo cáo tài chính quý I/2023 mới công bố, kết quả kinh doanh của TPBank đã đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu nhập hoạt động đạt trên 3.600 tỷ đồng, riêng thu nhập lãi thuần từ dịch vụ đạt 696 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ sự đa dạng hóa dịch vụ cung như sự tăng trưởng về quy mô hoạt động của ngân hàng.

Ra mắt thành viên HĐQT và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới Tại cuộc họp, ĐHĐCĐ cũng tiến hành bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới (2023-2028).

Số lượng thành viên được bầu vào HĐQT là 6 người là: Ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Shuzo Shikata, bà Nguyễn Thị Mai Sương và bà Võ Bích Hà (có cấu gồm 5 thành viên HĐQT và 1 thành viên HĐQT độc lập).

Đại hội cũng bầu 3 thành viên đảm nhiệm các vị trí trong Ban kiểm soát là: Bà Nguyễn Thị Thu Hương, ông Thái Duy Nghĩa, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (gồm 1 trưởng ban và 2 thành viên chuyên trách).

Theo danh sách được bầu, các nhân sự mới tham gia vào HĐQT và Ban kiểm sát của TPBank nhiệm kỳ 2023 – 2028, gồm:

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, từng có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng. Bà Sương từng là Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hà Nội (2009-2016) và Trưởng ban Pháp luật Nghiệp vụ Hiệp Hội Ngân hàng (2016-2022).

Bà Võ Bích Hà, có 20 năm làm việc tại BIDV, từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, Trưởng ban Ban Kiểm soát của BIDV.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Bà Hương từng là Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giám sát các TCTD nước ngoài, thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011 - 2019. Từ năm 2019 - 2022, bà Hương là ủy viên HĐQT, đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHCĐ TPBank 2023: Dự kiến tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, trả cổ tức 39,19%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO