Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ FPT: Lợi nhuận quý I tăng gần 20%, tiếp tục chiến lược M&A

Trần Thúy 10/04/2024 - 16:43

Chiều nay (10/4), Công ty Cổ phần FPT tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.

Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 18,2%

Theo báo cáo của Ban lãnh đạo, kết thúc năm 2023, Tập đoàn FPT ghi nhận doanh thu đạt 52.618 tỷ đồng; tăng 19,6% so với cùng kỳ và đạt 101% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 9.203 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ và đạt 102% kế hoạch năm; lãi sau thuế đạt 7.788 tỷ đồng.

Sang năm 2024, FPT đặt kế hoạch doanh thu tăng 17,5% lên 61.850 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 18,2% lên 10.875 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, khối Công nghệ dự kiến sẽ đem về doanh thu lớn nhất với 31.449 tỷ đồng, tăng hơn 21% và chiếm gần 51% tổng doanh thu. Hai khối viễn thông và giáo dục, đầu tư khác mục tiêu doanh thu tăng trưởng lần lượt 11% lên 17.600 tỷ đồng và tăng 14% lên 6.100 tỷ đồng.

Về lợi nhuận, khối công nghệ dự kiến đóng góp 5.195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25%, khối viễn thông đem về 3.508 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế khối giáo dục, đầu tư và khác dự kiến đạt 2.172 tỷ đồng (tăng 9%).

screen-shot-2024-04-10-at-3.17.45-pm.png

Cập nhật nhanh kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết, doanh số của doanh nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, lợi nhuận tăng trưởng xấp xỉ 20%. Doanh số của thị trường Nhật tiếp tục dẫn đầu với mức tăng trưởng 40% trong khi tại thị trường Mỹ vẫn khá khó khăn với doanh số tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.

Dành 6.500 tỷ đồng cho đầu tư, tiếp tục chiến lược M&A

Năm nay, FPT dự kiến sẽ dành tổng cộng 6.500 tỷ đồng cho các hạng mục đầu tư. Trong đó, 2.200 tỷ đồng dự kiến sẽ được dành để đầu tư cho khối công nghệ, bao gồm việc đầu tư các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Quy Nhơn... cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ.

Với khối viễn thông, công ty dự kiến dành ra 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống Trung tâm dữ liệu.

Với khối giáo dục, tập đoàn dự định đầu tư 2.000 tỷ đồng để mở rộng các khuôn viên Đại học tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, song song đó là mở rộng thêm các cơ sở đào tạo mới tại các tỉnh thành.

Về chiến lược phát triển trong giai đoạn 2024-2026, FPT hướng đến việc tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và bắt đầu chuyển đổi thông minh.

Cụ thể, khối công nghệ sẽ mở rộng nhanh chóng dịch vụ, lĩnh vực và thị trường trên quy mô toàn cầu thông qua nâng cao năng lực chuyên sâu trong lĩnh vực Automotive, mục tiêu đạt tăng trưởng 50%/năm và doanh thu 1 tỷ USD vào 2030.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư các dịch vụ AI, Cloud, Cybersecurity, mở rộng dịch vụ tích hợp hệ thống và dịch vụ quản lý hà tầng, duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các thị trường toàn cầu. Khối viễn thông mục tiêu trở thành nhà cung cấp các dịch vụ Internet và online có trải nghiệm tốt nhất.

Song song, FPT cũng sẽ mở rộng theo chiều ngang và sâu tại khối Giáo dục thông qua đầu tư xây dựng mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và phổ thông liên cấp, đồng thời tăng cường mở mới các chuyên ngành đào tạo, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển nhân sự trong các lĩnh vực Chíp bán dẫn, Automotive, Game deisgn…

Lãnh đạo FPT cho biết, với tham vọng không chỉ mở rộng mà còn đi sâu vào các mảng, tập đoàn sẽ tiếp tục chiến lược M&A để rút ngắn thời gian. Theo đó, mục tiêu M&A là các công ty có sự chuyên sâu để giúp mang về các hợp đồng lớn. Nếu như trước đây FPT chủ yếu thực hiện M&A với các doanh nghiệp tại Mỹ thì giờ đây sẽ mở rộng sang Nhật và nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore và châu Âu.

Tiếp tục duy trì chính sách cổ tức 20% bằng tiền

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, HĐQT FPT trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (đã thực hiện tạm ứng 10% trong năm 2023, phần còn lại dự kiến chi trả trong quý II/2024 nếu được thông qua).

Bên cạnh đó, FPT dự kiến phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 20:3, tương ứng cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận về 3 cổ phiếu mới.

Theo đó, tổng số cổ phiếu dự kiến sẽ phát hành thêm hơn 190 triệu cổ phiếu mới, vốn điều lệ của công ty theo đó vượt 14.600 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sau khi ĐHĐCĐ thông qua và không muộn hơn quý III/2024.

Với năm 2024, FPT dự kiến chia cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông, căn cứ theo số lượng cổ phiếu mới sau khi đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến khả năng FPT tăng tỷ lệ chia cổ tức, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết, dự kiến trong thời gian tới, FPT sẽ vẫn duy trì chính sách trả cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc FPT cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc chi trả cổ tức bằng tiền, hằng năm, FPT vẫn tiến hành chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn khiến số lượng cổ phiếu lưu hành liên tục tăng thêm. Do đó, số lượng tiền chi trả sẽ chiếm tới 40-45% lợi nhuận làm ra, số lợi nhuận còn lại doanh nghiệp sẽ giữ lại để thực hiện tái đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHĐCĐ FPT: Lợi nhuận quý I tăng gần 20%, tiếp tục chiến lược M&A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO