Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, quý I/2024 doanh thu của Hòa Phát ước đạt 31.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 2.800 tỷ đồng (đã trích lập 200 tỷ đồng dự phòng rủi ro tỷ giá).
Sáng ngày 11/4 Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 với sự tham gia của 353 cổ đông, đại diện cho 65,74% cổ phần có quyền biểu quyết (tính đến 8h30). Như thông lệ, đại hội năm nay của Hòa Phát tiếp tục là một trong những ĐHĐCĐ có đông người tham gia nhất.
Mở đầu đại hội, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT cho biết, theo thông tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), tính thời điểm chốt quyền ĐHĐCĐ (tháng 3/2024), Hòa Phát ghi nhận có trên 170.000 cổ đông (giảm gần 10.000 cổ đông so với năm 2023) và vẫn là doanh nghiệp có lượng cổ đông lớn nhất sàn chứng khoán, giao dịch trung bình cũng cao nhất trên thị trường.
Ước tính lãi khoảng 2.800 tỷ đồng trong quý I/2024
Ông Long chia sẻ hiện tại ông đang rút dần khỏi việc điều hành doanh nghiệp để tập trung hoạch định chiến lược, mọi vấn đề liên quan đến điều hành, mua bán nguyên vật liệu, bán hàng đều do ông Nguyễn Việt Thắng – Tổng Giám đốc và ban điều hành phụ trách.
Với vai trò của người hoạch định chiến lược, ông Long khẳng định trong ngắn hạn Hòa Phát vẫn đang tập trung cho mảng thép, đặc biệt là dự án Dung Quất 2. Hòa Phát cũng sẽ tăng cường mở rộng sản xuất các sản phẩm thép công nghệ cao, yêu cầu kỹ thuật khó.
Ông Long cho biết, với mức đầu tư lên tới 7 tỷ USD đầu tư vào Dung Quất 2, trong khi công suất chỉ 11 triệu tấn, Hòa Phát sẽ làm ra các sản phẩm chất lượng cao. Các sản phẩm Dung Quất 2 làm ra có thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cho nhiều sản phẩm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao trong ngành ô tô, quân đội, chế tạo,…
“Chắc chắn Hòa Phát sẽ không mở rộng quy mô vì thị trường đã có nhiều doanh nghiệp làm rồi”, ông Long nói và cho hay: "ống thép Hòa Phát đang chiếm thị phần số 1 Việt Nam, nếu có nhu cầu tăng thì sẽ mua thêm máy móc để đáp ứng nhu cầu thị trường chứ không mở rộng quy mô sản xuất".
Tuy nhiên, ông Long tiết lộ Hòa Phát đang nghiên cứu sản xuất tôn silic – nguyên liệu sản xuất các motor điện của ô tô điện. Hiện Việt Nam mới có 1 doanh nghiệp sản xuất tôn silic nhưng chỉ nhập về và gia công khâu cuối cùng, còn Hòa Phát xác định sẽ làm từ gốc.
Ngoài ra, lãnh đạo Hòa Phát hy vọng khi Đảng và Chính phủ quyết tâm làm đường sắt Bắc Nam thì Hòa Phát sẽ có thể tham gia cung cấp thép chất lượng cao để làm thép đường ray cho dự án. “Hiện xu hướng chuyển dịch rất lớn các nhà sản xuất đa quốc gia từ Trung Quốc, Đài Loan sang Việt Nam. Không thể vì thị trường Việt Nam quá nhỏ mà không sản xuất tôn silic hay thép đường ray,… phải chiến đấu để bán hết”, ông Long nói.
“Tóm lại, mở rộng sản xuất các sản phẩm thép thông thường thì không, nhưng nghiên cứu làm các sản phẩm chất lượng, yêu cầu hàm lượng công nghệ cao chắc chắn là có”, ông Long nói và nhắc lại Hòa Phát sẽ dồn lực cho sản xuất thép, bởi thị trường thép đang cạnh tranh khốc liệt quá nên phải dồn lực vốn, con người cho mảng thép.
"Tôi cũng xin thông báo một tin, không biết là vui hay buồn. Chúng tôi đã nghiên cứu sản xuất bô-xit và nhôm tại Đăk Nông nhưng 2 tuần trước tôi cũng phải chia sẻ với lãnh đạo tỉnh rằng, Hòa Phát chưa tuyên bố bỏ nghiên cứu dự án này nhưng nếu có doanh nghiệp khác ngỏ lời, thì có thể để cơ hội cho người ta. Trong 5-10 năm tới, Hòa Phát muốn dành toàn lực cho sản xuất thép, khó để mở rộng sản xuất cả bô-xít", ông Long nói.
Về mảng bất động sản, ông Long cho biết, trong 10 năm tới Hòa Phát chỉ tập trung hoàn thiện pháp lý của các dự án bất động sản nhà ở. Đồng thời, tập trung phát triển bất động sản khu công nghiệp – mảng Hòa phát đang làm rất tốt.
Về vấn đề Hòa Phát đã chuẩn bị đủ vốn cho Dung Quất 2 hay chưa, ông Long khẳng định trên thương trường hòa Phát tự tin là doanh nghiệp điều phối vốn rất tốt nên cổ đông có thể yên tâm. Dự án Dung Quất 2 có thể đảm bảo đến tháng 9/2026 sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án.
Trả lời vấn đề cổ đông quan tâm là khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, thị phần trong nước không thể tiêu thụ hết 5,6 triệu tấn HRC thì định hướng của Hòa Phát ra sao, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, thép xây dựng hiện nay của Hòa Phát chiếm 34-35% thị phần trong nước, thời điểm khó khăn hay thuận lợi vẫn duy trì thị phần này, ngoài ra, còn xuất khẩu sang thị trường xung quanh, chủ yếu là Đông Nam Á.
Mặc dù giai đoạn vừa qua bất động sản gặp nhiều khó khăn nhưng Hòa Phát tự tin đẩy mạnh đầu tư công sẽ hỗ trợ, thép Hòa Phát đã được sử dụng trong nhiều công trình, trong đó có nhiều dự án cầu đường.
“Sản phẩm HRC của Hòa Phát hiện đang phục vụ cả trong nước và xuất khẩu. Với sản phẩm HRC do Dung Quất 2 làm ra, Hòa Phát đang có đội nghiên cứu phát triển thị trường xuất khẩu để có thể bán hết hàng”, ông Thắng cho biết.
Về kế hoạch phát triển mảng cảng biển, ông Thắng cho hay tại Dung Quất Hòa Phát có hai cụm cảng, một cảng phục vụ cho Hòa Phát Dung Quất, một cảng kết hợp phục vụ cho cả Hòa Phát và cả khu công nghiệp Dung Quất.
Còn dự án tại Phú Yên kế hoạch của Hòa Phát là phát triển cảng một là phục vụ cho Hòa Phát nếu phát triển dự án thép tại đây và hai là cho các khu công nghiệp tại Phú Yên.
Về mảng nông nghiệp, ông Thắng thông tin hiện Hòa Phát có 4 thương hiệu, thứ nhất là thức ăn chăn nuôi bán ra ngoài và nội bộ. Ba thương hiệu chăn nuôi gồm trứng, heo, bò thì heo hiện chỉ bán tại trại chứ không giết mổ. Trứng bán trong các siêu thị. Doanh nghiệp chưa có kế hoạch phát triển thêm mảng nông nghiệp, có thể giai đoạn sau.
Cũng tại đại hội, cập nhật về ước tính kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Long cho biết, dự kiến kết quả tương đối tốt, sản lượng bán hàng tăng so với quý I/2023. Theo đó, doanh thu quý I/2024 của tập đoàn ước đạt 31.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 2.800 tỷ đồng (đã trừ dự phòng rủi ro tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng).
“Vừa rồi Hòa Phát đẩy được tương đối tồn kho nguyên vật liệu giá cao. Chưa bao giờ Hòa Phát đẩy tồn kho xuống thấp như bây giờ. Nhờ đó, Hòa Phát có thể nhập nguyên liệu giá thấp tạo dư địa tăng trưởng cho các quý sau”, ông Long nói.
Về kế hoạch sử dụng nguồn lợi nhuận tương lai để tái đầu tư và phân phối lợi nhuận ông Long khẳng định Hòa Phát luôn thực hiện xuyên suốt, cân đối hài hòa và vẫn phải đề cao chia lợi tức cho cổ đông.
“Với tư cách cổ đông lớn nhất tôi cũng mong được chia lại tiền. Đường lối của Hòa Phát là từ năm 2025 sẽ chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông”, ông Long thông tin.
Bầu bổ sung hai thành viên HĐQT độc lập
Tại đại hội cổ đông Hòa Phát đã thông qua mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 18% và tăng 47% so với kết quả năm 2023.
Đồng thời, thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, theo đó trích tối đa 5% lợi nhuận thực đạt cho quỹ khen thưởng, phúc lợi và trích tối đa 5% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch để thưởng ban điều hành và ban điều hành các công ty thành viên. Tỷ lệ chia cổ tức 10%.
Ngoài ra, cổ đông Hòa Phát đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, công ty sẽ phát hành gần 581,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ phát hành là 10% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu). Sau phát hành, vốn điều lệ doanh nghiệp sẽ lên mức hơn 63.960 tỷ đồng, với gần 6,4 tỷ cổ phiếu lưu hành.
Nguồn vốn được lấy từ thặng dư vốn cổ phần 3.212 tỷ đồng và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với giá trị 2.603 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý II/2024 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ Hòa Phát cũng thông qua việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT gồm: ông Đặng Ngọc Khánh và ông Chu Quang Vũ.
Ông Đặng Ngọc Khánh, sinh năm 1973, Cử nhân Đại học Ngoại Thương, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Vĩnh Phát và Công ty CP Megan Holdings, Tổng giám đốc MSH Holdings.
Ông Chu Quang Vũ, sinh năm 1963, trình độ cử nhân kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại nhiều công ty con của Hòa Phát, phụ trách ban nghiên cứu và phát triển của Hòa Phát và đã nghỉ hưu từ năm 2021 đến nay.