Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Có thể cân đối thu chi trong năm 2024

Trần Thúy 21/06/2024 - 15:28

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch COVID-19.

9a8f948a0b61a83ff170.jpg
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Vietnam Airlines

Doanh thu năm 2023 đã tiệm cận mức đỉnh trước dịch

Sáng nay (21/6), Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (mã HVN) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với sự tham dự của 98 cổ đông, đại diện cho 93,65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại Đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng gồm: Kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2024; báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán; báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2023 và định hướng năm 2024…

Đánh giá môi trường kinh doanh năm 2023, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, ngành hàng không tiếp tục đứng trước nhiều trở ngại đến từ xung đột địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu duy trì ở mức cao trên 105 USD/thùng, lãi suất và tỷ giá biến động bất lợi.

Đối với nội địa, kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại dẫn đến sự suy yếu về nhu cầu đi lại trong năm nay. Đối với quốc tế, thị trường trọng điểm là Đông Bắc Á phục hồi chậm hơn kỳ vọng. Điểm sáng là thị trường Australia, Ấn Độ tăng trưởng tích cực, thị trường Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ.

Trong bối cảnh trên, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp tự thân, bám sát diễn biến thị trường. Hãng đã khôi phục mạng đường bay quốc tế tương đương 90% năm 2019, mở thêm các đường bay mới như Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh - Mumbai, Hà Nội - Melbourne, TP. Hồ Chí Minh - Perth. Mạng đường bay nội địa tiếp tục khai thác với số lượng đường bay đã phục hồi tương đương năm 2019.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines chú trọng quản trị chi phí, triệt để tiết kiệm. Ngoài việc giảm chi phí theo quy mô sản lượng, Tổng công ty đã triển khai tiết kiệm chi phí, đàm phán giảm giá, giãn hoãn thành toán… giúp cắt giảm được chi phí với số tiền ước tính đạt hơn 3.200 tỷ đồng.

Ông Hà cho biết, tổng số tiền nợ phải trả các nhà cung cấp giãn hoãn thanh toán tại thời điểm cuối năm 2023 là 8.859 tỷ đồng, chủ yếu là nợ tiền thuê máy bay, sửa chữa bảo dưỡng, chi phục vụ chuyến bay. Vietnam Airlines đã cơ bản hoàn tất thỏa thuận với các đối tác về phương án cơ cấu lại thời gian và số tiền trả nợ nhà cung cấp.

Cũng trong năm 2023, Vietnam Airlines đã hoàn thành tái cơ cấu khoản vay với số tiền nợ gốc vay cơ cấu trong năm 2023 là 75,67 triệu USD (tổng số nợ vay đã được tái cơ cấu lũy kế từ năm 2020 đến ngày 31/3/2023 là 259,31 triệu USD và 80 tỷ đồng), giúp giảm gánh nặng dòng tiền trong năm.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, hết năm 2023, Vietnam Airlines đã vận chuyển hơn 24,1 triệu lượt hành khách và 230.000 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 16,4% và 5,8% so sánh cùng kỳ. Kết quả khai thác khả quan giúp Vietnam Airlines đạt 93.265 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, cao hơn cùng kỳ năm 2022 gần 30% và tiệm cận mức đỉnh năm 2019. Mức lỗ hợp nhất trước thuế giảm 5.583 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2022.

Về dòng tiền, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, với sự cải thiện mạnh mẽ của dòng tiền thu bán trước đặc biệt về cuối năm, Tổng công ty có thể cân đối dòng tiền thanh toán một phần khoản nợ quá hạn theo cam kết với các chủ nợ để giảm dần nợ quá hạn phát sinh trong giai đoạn bị ảnh hưởng của COVID - 19.

Tại thời điểm cuối năm 2023, số dư tiền cuối kỳ khoảng 1.039 tỷ đồng (trong đó dư nợ vay ngắn hạn khoảng 4.655 tỷ đồng, vay tái cấp vốn khoảng 3.986 tỷ đồng và nợ quá hạn nhà cung cấp duy trì ở mức khoảng 8.859 tỷ đồng).

Hướng tới cân đối được thu chi

Đánh giá năm 2024, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, kinh tế - chính trị thế giới vẫn khó khăn với các xung đột địa chính trị kéo dài và giá nhiên liệu duy trì ở mức cao 104 USD/thùng. Lãi suất USD duy trì ở mức cao, ảnh hưởng tỷ giá ngoại tệ và chi phí đầu vào.

“Dự báo sản lượng khách toàn cầu phục hồi hoàn toàn so với 2019, nhưng châu Á - Thái Bình Dương cần thêm thời gian, đặc biệt Đông Bắc Á. Rủi ro vĩ mô và quá tải hạ tầng sân bay vẫn tiềm ẩn. Vấn đề nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên toàn cầu gây thiếu hụt tàu bay, ảnh hưởng khai thác”, ông Hà cho biết.

Trong nước, bức tranh kinh tế vĩ mô có nhiều điểm tích cực như kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng ổn định, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng 6-8%. Theo đó, năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so cùng kỳ và bằng 99% so 2019. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 7,64 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), tăng 120,2% so cùng và bằng 84,4% so với năm 2019. Sản lượng khách nội địa năm đạt 15 triệu khách, tăng 2,2% so cùng kỳ và tăng 8,7% so với năm 2019.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu và thu nhập, tiếp tục thực hiện việc quản trị và tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay.

Vietnam Airlines cũng dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn tại TCS để bổ sung thu nhập và dòng tiền (Tổng công ty đã đưa vào dự kiến kế hoạch 2024 thu nhập thoái vốn TCS khoảng 1.700 tỷ đồng trên cơ sở thận trọng về giá trị và tiến độ thoái vốn). Nhờ đó, kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi; trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ dự kiến đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.524 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết, tình hình dòng tiền năm 2024 dự kiến rất khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán trong năm, đặc biệt là từ tháng 7/2024 khi các khoản vay tái cấp vốn bắt đầu đến hạn hoàn trả.

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch COVID-19.

Để làm được điều này có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước nhưng đồng thời, một phần rất lớn ở nỗ lực tự thân của tổng công ty.

“Các giải pháp đã giúp Vietnam Airlines cắt giảm chi phí lên tới 42.400 tỷ đồng trong gần 4 năm vừa qua, trong đó 18.000 tỷ đồng được cắt giảm là nhờ hỗ trợ của nhà nước, ngoài ta Tổng công ty cũng nỗ lực cắt giảm nội bộ bằng cách tăng cường đàm phán với các chủ nợ quốc tế giảm thuê máy bay được hơn 16.000 tỷ đồng và 8.300 tỷ đồng được giãn hoãn để có thêm dòng tiền hoạt động”, ông Hòa nói.

Năm nay, Vietnam Airlines tiếp tục duy trì chặt chẽ các chương trình tiết kiệm và quản trị chi phí, tìm kiếm cơ hội đàm phán giảm, giãn, hoãn thanh toán. Để duy trì cân đối dòng tiền, Tổng công ty đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và thực hiện các biện pháp tối ưu hóa chi phí, doanh thu, quản trị tài chính hiệu quả.

Giá vé tăng là hợp lý

Liên quan đến vấn đề tăng giá vé từ đầu năm nay, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết giá vé máy bay đã tăng 15-17% so với trước đây tùy đường bay, ngày bay và giờ bay.

Dù vậy, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng nhấn mạnh, giá vé vẫn còn cách xa so với giá trần.

“Cách đây khoảng một tháng, giá vé chỉ ở mức khoảng 76% so với giá trần, có những đường bay chỉ khoảng 43% so với giá trần. Trong một tháng trở lại đây giá vé máy bay trung bình còn giảm nhiều hơn do chúng tôi khai thác các giờ bay sớm và tối muộn với giá vé thấp hơn”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, Vietnam Airlines không bay một mình để có thể quyết định giá vé. Hiện có khoảng hơn 150 hãng đang cạnh tranh trực tiếp, giá vé được quyết định bởi sức mua thị trường.

“Việc tăng giá này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nhưng thời gian, mức tăng khác nhau. Trên thế giới, giá vé máy bay đã bắt đầu tăng từ năm 2022 còn ở Việt Nam mới có dấu hiệu tăng gia từ đầu 2024. Mức độ tăng giá cũng khác nhau, chúng ta mới chỉ tăng tầm 15-17%, nhưng có những thị trường giá vé đã tăng 30 - 40% từ năm 2022. Giá vé sẽ giảm khi cung cầu bằng nhau”, ông Tuấn nói.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giá vé tăng. Trong đó, lý do quan trọng là do chi phí đầu vào tăng, bao gồm chi phí đầu vào nhiên liệu tăng 5.500 tỷ đồng so với năm 2019. Tỷ giá đồng USD tăng khiến doanh nghiệp mất thêm khoảng 4.700 tỷ đồng. Chỉ tính riêng hai yếu tố này đã khiến chi phí doanh nghiệp tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2019, chưa kể những yếu tố khác.

“Thống kê cho thấy, các hãng hàng 1,2 USD lãi /khách, tăng giá vừa rồi bù đắp 1 phần chi phí nhưng chưa đủ để tích lũy, bù đắp rủi ro tương lai. Do chúng ta có giá trần, sức mua có hạn, hãng hàng không quốc gia cũng có cân đối, nhiệm vụ đặc biệt. giá vừa rồi có tăng nhưng tăng mức độ hợp lý, kiểm soát được, nằm trong tính toán hài hòa nhất.

Liên quan đến việc cổ phiếu HVN liên tục đi lên từ cuối tháng 3 đến nay, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines cho rằng, diễn biến cổ phiếu là do đánh giá của thị trường, của các cổ đông và nhà đầu tư.

“Chúng tôi luôn đảm bảo công khai minh bạch về hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính theo đúng nguyên tắc và yêu cầu của các cơ quan nhà nước”, ông Hòa nói.

Về giải pháp để bỏ biện pháp hạn chế giao dịch, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, tình hình tài chính khó khăn của doanh nghiệp là do các nguyên nhân khách quan (đại dịch COVID - 19), tổng công ty đã có báo cáo các cấp có thẩm quyền để đánh giá.

“Hy vọng với sự nỗ lực của HVN trong việc cân đối thu chi, khắc phục lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu với các giải pháp nội lực, chúng tôi sẽ dần có thay đổi theo hướng tích cực, dần phục hồi năng lực tài chính, về mức lành mạnh như trước dịch, các chỉ số sớm trở lại mức an toàn đủ điều kiện để được giai dịch trở lại”, ông Hòa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Có thể cân đối thu chi trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO