Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết của các ngân hàng

Phương Chi| 09/10/2020 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không ít ngân hàng thương mại (NHTM) phải tạm hoãn kế hoạch lên sàn chứng khoán trong năm nay.

Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại (NHTM) phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Còn tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017), một trong những mục tiêu đến năm 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, yêu cầu niêm yết đối với các cổ phiếu ngân hàng cũng được đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018. 

Việc một số ngân hàng có kế hoạch chuẩn bị niêm yết và chuyển sang sàn HOSE trong năm nay sẽ giúp cho các ngân hàng dễ dàng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, có thể thu hút sự chú ý nhiều hơn của các nhà đầu tư, cũng như để đáp ứng tiêu chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Đây sẽ là điểm cộng cho sự phát triển cũng như thương hiệu của các ngân hàng trong thời gian tới,

Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hai ngân hàng chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM. Đầu tiên là 317,1 triệu cổ phiếu BVB của NHTMCP Bản Việt giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 9/7/2020 và sau đó là 308 triệu cổ phiếu SGB của NHTMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) được giao dịch trên UPCoM từ ngày 27/7/2020.

Gần đây nhất, Trung tâm Lưu kí chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo hơn 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank đã đăng kí tại VSD, với mã chứng khoán là NAB.

Như vậy, đến nay, trong hệ thống ngân hàng đã có 20 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Trong đó, 10 cổ phiếu niêm yết trên HOSE (VCB, CTG, BID, TCB, MBB, HDB, TPB, VPB, EIB, STB); 3 cổ phiếu niêm yết trên HNX (ACB, SHB, NVB) và 7 cổ phiếu trên UpCOM (LPB, VIB, VBB, BAB, KLB, BVB, SGB).

Tính từ khi triển khai Đề án 1058 đến nay, số lượng các NHTMCP niêm yết/đăng ký giao dịch mới trên sàn chứng khoán Việt Nam tăng so với những năm trước đó khoảng 50%.

Ngân hàng  cân nhắc lên sàn trong năm nay

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các công ty niêm yết trên sàn từ năm ngoái đã sụt giảm mạnh so với giai đoạn 2017-2018, đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đang tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các NHTM khiến kế hoạch niêm yết trong năm nay khó đạt mục tiêu.

Về kế hoạch niêm yết của một số NHTM bị chậm lại, trong đó có nguyên nhân từ bản thân các NHTMCP trong quá trình thực hiện Phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn gặp nhiều khó khăn tồn đọng cần được ưu tiên giải quyết như: tập trung nguồn lực vào công tác xử lý nợ xấu, thu hồi các khoản phải thu khó đòi, gây ảnh hưởng đến thời hạn cũng như kế hoạch niêm yết. Ngân hàng còn cân nhắc thời điểm lên sàn bởi họ phải đảm bảo giá cổ phiếu niêm yết không nằm dưới mệnh giá, đảm bảo khả năng một số nhà đầu tư mua cổ phiếu của họ. Nếu lên sàn thất bại, uy tín của ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều và những lần gọi vốn sau đó có thể bị tác động tiêu cực. Mặt khác, một số NHTMCP còn có quy mô vốn nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, về nguyên nhân khách quan, thị trường chứng khoán biến động phức tạp trong những năm vừa qua, nhất là một số mã cổ phiếu của ngành ngân hàng, do chịu tác động bất ổn từ tình hình an ninh, chính trị quốc tế cũng như các yếu tố khác (thiên tai, dịch bệnh....) cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường của các NHTMCP.

Đặc biệt, trong năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các NHTM khi doanh nghiệp khó khăn trong trả nợ ngân hàng, nguy cơ nợ xấu tăng, cầu tín dụng thấp nên tín dụng tăng trưởng chậm...Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít NHTM phải tạm hoãn kế hoạch lên UPCoM.

Thời điểm tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả phương án cơ cấu lại

Với thực tế hiện tại, giới chuyên môn cho rằng, cần phải cân nhắc không nên cố lên sàn bằng mọi giá. Bởi kinh tế khó khăn khả năng thất bại cũng khá cao, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu cũng như uy tín của ngân hàng. Hơn nữa, thị trường chứng khoán dù có dấu hiệu hồi phục trong gần 2 tháng trở lại đây, nhưng giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp chỉ phục hồi được một nửa giá đã bị giảm so với thời điểm đầu năm. Và thị trường chứng khoán được đánh giá là đang có dấu hiệu tăng trưởng không bền vững khi có xu hướng đi ngược lại với tăng trưởng của nền kinh tế.

Do vậy, để đẩy nhanh và hiệu quả việc các NHTM lên sàn chứng khoán, phía các NHTMCP chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tiếp tục lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn điều lệ, đẩy nhanh kế hoạch niêm yết; nâng cao quản trị rủi ro và đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Một ngân hàng kinh doanh có hiệu quả, "sức khỏe" thật sự tốt, lợi nhuận tăng trưởng, kiểm soát nợ xấu hiệu quả, với tiềm lực mạnh thì có nhiều cơ hội để giá cổ phiếu của ngân hàng đó tăng giá.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường và chưa thể đánh giá hết được những tác động của dịch bệnh đối với thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, để tạo môi trường thuận lợi cho các NHTMCP triển khai kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, các cơ quan bộ, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, ổn định tâm lý nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết của các ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO