Sáng ngày 17/12, Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 chính thức khai mạc. Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối với các nhà làm chính sách, các đối tác đầu tư, đối tác mua hàng, các chương trình hỗ trợ quốc tế, chuyên gia và công ty cung ứng giải pháp cho phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là lần đầu tiên tỉnh An Giang đăng cai tổ chức Diễn đàn Mekong Connect.
Những hoạt động nổi bật tại lễ khai mạc triển lãm và chuỗi hoạt động Mekong Connect là tham quan triển lãm chủ đề “Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường liên kết, phát huy nội lực hướng tới phát triển bền vững”; giao lưu “Những câu chuyện - hành trình khởi nghiệp” của những doanh nông xanh xuất sắc đã đạt giải trong 10 năm qua của chương trình khởi nghiệp xanh, với đội ngũ khởi nghiệp trẻ của các tỉnh, thành phố và chia sẻ từ các chuyên gia, doanh nghiệp đồng hành.
Các nội dung giao lưu, gồm: Ứng dụng tự động hóa trong hoạt động khởi nghiệp xanh; định hướng phát triển khởi nghiệp nông nghiệp; hành trình xây dựng mô hình du lịch xanh netzero đến giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024; phát triển chuỗi sản phẩm từ tài nguyên bản địa gắn với giải quyết sinh kế cộng đồng; vấn đề quan tâm khi doanh nghiệp khởi nghiệp xúc tiến thương mại đa kênh.
Cùng với đó là giao lưu quốc tế về những kinh nghiệm thành công từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Philippines). Những kinh nghiệm phát triển OTOP Thái Lan qua quá trình cố vấn cho hoàng gia để phát triển đúng hướng tổ chức OTOP; kinh nghiệm kinh doanh sản phẩm OTOP khởi nghiệp trong khu vực…
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Mekong Connect 2024, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết: “Diễn đàn nhằm thực hiện quyết tâm liên kết hợp tác toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy liên kết vùng và sự ủng hộ của Trung ương, để đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, hình thành liên kết chuỗi giá trị, xu hướng thị trường, định hướng nông sản, ứng dụng công nghệ, thương mại hóa nông sản và hội nhập thị trường”.
Đáng chú ý, Mekong Connect là nơi hội tụ các ý tưởng, sáng kiến, không gian để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách thảo luận, đề xuất giải pháp thực tiễn, thúc đẩy phát triển bền vững cho toàn vùng.
Tại Diễn đàn ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang đã và đang thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp vay đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước Trung ương giao.
Kết quả sau 11 tháng, số dư huy động vốn đạt 72.824 tỷ đồng, tăng 5,0% so cuối năm 2023. Vốn huy động đáp ứng được 59,25% cho hoạt động cấp tín dụng. Ước năm 2024, huy động vốn đạt 74.280 tỷ đồng, tăng 7,10% so cuối năm 2023.
Diễn biến tăng trưởng tín dụng của tỉnh trong những tháng gần đây phù hợp với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế. Trong quá trình đó, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ và tiêu dùng tăng, trở thành yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối cùng của năm. Đến cuối tháng 11/2024, dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đạt 122.911 tỷ đồng, tăng 9,23% so với cuối năm 2023 (112.522 tỷ đồng). Ước năm 2024, đạt 126.026 tỷ đồng, tăng 12,53% so với cuối năm 2023.
Tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng tích cực. Kết quả này, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương. Lãi suất cho vay thấp cùng với việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng được tổ chức thực hiện thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp có hiệu quả là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng năm 2024 trên địa bàn.
Các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 34 doanh nghiệp và 258 cá nhân, với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.619 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 99 tỷ đồng.
Thời gian tới, ngành Ngân hàng trên địa bàn sẵn sàng tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà khoa học tiếp cận dễ dàng vốn tín dụng để đầu tư đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa công nghệ đáp ứng xu thế xanh hiện nay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.