Tin tức

Điều hành chính sách tiền tệ đã phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác

Đoàn Hằng 17/05/2024 - 08:06

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Chiều ngày 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ (CSTT), chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan liên quan….

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cùng Ban lãnh đạo NHNN, đại diện lãnh đạo một số vụ, cục đơn vị liên quan.

9981df981eecfeccb2f283a171fcf598-17158651004631581320947.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo NHNN, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo tình hình thực hiện các CSTT, chính sách tài khóa thời gian qua; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận, đóng góp các ý kiến, kiến nghị nhiều giải pháp, sử dụng các công cụ hiện có để tăng cường ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, trong đó tập trung vào các giải pháp về miễn, giãn, hoãn, giảm thuế; tăng cường quản lý thị trường vàng; tăng cường áp dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh; huy động các nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược; phát hành trái phiếu Chính phủ; đầu tư nhà ở xã hội; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành chức năng trong thanh tra, kiểm tra, bảo đảm các hoạt động kinh doanh lành mạnh, đúng định hướng…

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn;

Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, hiệu quả, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều tiết thanh khoản, sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ trong trường hợp cần thiết, điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng báo cáo về điều hành tăng trưởng tín dụng, điều hành lãi suất, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ; phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; điều hành kinh tế vĩ mô để đạt được các mục tiêu đề ra năm 2024...

Về quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, NHNN đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường.

NHNN thực hiện công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến việc đấu thầu, kết quả đấu thầu vàng miếng trên Cổng thông tin điện tử của NHNN. Từ 19/4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 07 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, trong đó có 04 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn)…

Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến nay chúng ta vẫn đang thực hiện được mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách; phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng dân tộc ít người; bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động lớn tới trong nước, thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không chủ quan cũng không quá lạc quan, không bi quan, không hoang mang, dao động, có giải pháp từ sớm, từ xa, từ cơ sở để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Trong đó, về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu triệt để thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; khẩn trương nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung vào hạ tầng chiến lược, nhà ở xã hội, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt cần huy động ngay khoảng 100 nghìn tỷ đồng phục vụ các dự án trung hạn giai đoạn 2021-2025; về lâu dài tiếp tục nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền việc chuẩn bị các dự án đầu tư hạ tầng chiến lược. Theo Thủ tướng, sở dĩ chúng ta làm được việc này là dựa trên cơ sở nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép, bội chi ngân sách thấp hơn quy định, tăng thu ngân sách lớn.

Về chính sách tiền tệ, cần đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất; sử dụng hợp lý các công cụ thị trường, trong đó có việc bơm tiền ra, hút tiền vào phù hợp. Lưu ý không để tỷ giá ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giữ ổn định tương đối về tỉ giá. Dứt khoát thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1-2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng việc làm, tạo sinh kế cho người dân, phấn đấu tăng tín dụng 5 – 6% ngay trong quý II/2024.

Về thị trường vàng, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, trong đó có giải pháp truyền thông phù hợp, tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm; yêu cầu các ngân hàng thương mại cùng với Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đồng hành cùng với NHNN về vấn đề này; kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng, đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hoá đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép; việc này phải được làm cương quyết; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ tham mưu ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và tài chính.

Cùng với đó, các cơ quan, trong đó có Bộ Công an tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm liên quan buôn lậu, găm hàng, đội giá, không tuân thủ pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thông tin, truyền thông phản ánh kịp thời, đúng tình hình, tạo đồng thuận trong xã hội; thực hiện hiệu quả các chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều hành chính sách tiền tệ đã phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO