(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà về công tác điều hành CSTT năm 2018 và những nhiệm vụ NHNN cần triển khai trong thời gian tới.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới năm 2018 có nhiều thách thức và biến động bất thường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý. Nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, môi trường kinh doanh được cải thiện mà Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế uy tín nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, cải thiện hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B1 lên Ba3 với triển vọng thay đổi từ ổn định sang tích cực vào ngày 11/8/2018. Fitch nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ mức BB- lên mức BB với triển vọng ổn định.
Phóng viên (P/V): Xin ông cho biết những điểm nổi bật trong điều hành CSTT của NHNN năm 2018?
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước |
NHNN đã điều hành chính sách lãi suất linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường, giữ mặt bằng lãi suất tương đối ổn định để tạo điều kiện đảm bảo nguồn vốn cho kinh doanh sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tháng 1/2018, trên cơ sở xem xét, phân tích các yếu tố vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và cân đối tổng thể cung - cầu, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD. Ngay từ đầu năm, một số NHTM đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Từ đó đến cuối năm, NHNN đã điều hành để giữ mặt bằng lãi suất trong nước tương đối ổn định trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tăng lên do các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhờ đó tạo điều kiện đảm bảo nguồn vốn cho kinh doanh sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Ông Phạm Thanh Hà: Trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới năm 2018 có nhiều thách thức và biến động bất thường, NHNN đã chủ động, linh hoạt điều hành CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý, qua đó thu được những kết quả tích cực. Lạm phát bình quân năm 2018 tiếp tục được kiểm soát phù hợp mục tiêu dưới 4% - đánh dấu nhiều năm liên tiếp NHNN thành công trong việc điều hành lạm phát do Chính phủ và Quốc hội giao.
Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng tăng phù hợp với mục tiêu, cơ cấu tín dụng theo đồng tiền diễn biến phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển dần từ quan hệ gửi - vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn tín dụng chung và tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro có xu hướng chậm lại.
Trên thị trường ngoại tệ, dù có nhiều áp lực từ thị trường quốc tế nhưng tỷ giá trong nước vẫn tương đối ổn định, đặc biệt khi so với mức độ mất giá của các đồng tiền mới nổi và đang phát triển, thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời và NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước (DTNHNN). Về giải pháp điều hành tỷ giá, cụ thể, những tháng đầu năm, khi cung cầu ngoại tệ khá thuận lợi, NHNN tranh thủ mua ngoại tệ bổ sung DTNHNN. Đặc biệt, từ ngày 7/2/2018, NHNN bắt đầu niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng để trì hoãn việc đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ, góp phần kiểm soát nguồn tiền cung ứng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, trong khi vẫn mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm phái sinh ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Từ tháng 6, thị trường ngoại tệ chịu các áp lực từ diễn biến tiêu cực trên thế giới và tâm lý nhà đầu tư trong nước. NHNN đã kịp thời điều hành đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định thị trường, đảm bảo các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt.
Về điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, căn cứ mục tiêu tăng trưởng và lạm phát Quốc hội giao, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Trong điều hành, NHNN đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế như chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; kiên định các giải pháp chính sách để giảm dần tín dụng ngoại tệ phù hợp với chủ trương chống Đô-la hóa của Chính phủ, chuyển dần từ quan hệ gửi – vay ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ.
Điều hành CSTT cũng đã đảm bảo ổn định thanh khoản thị trường tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện để phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài và lãi suất thấp hơn.
P/V: Vậy theo ông, đâu là cơ hội và thách thức đối với công tác điều hành của NHNN trong năm 2019 và những năm tiếp theo?
Ông Phạm Thanh Hà: Năm 2019, kinh tế thế giới dự kiến diễn biến khó lường với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Kinh tế thế giới nhiều khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá của năm 2018, theo đó Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) (10/2018) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 là 3,7%. Tuy nhiên, rủi ro có xu hướng tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa tìm được giải pháp, dự báo tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bị điều chỉnh giảm; thương mại toàn cầu cũng được dự báo tăng chậm lại.1 Thị trường hàng hóa thế giới tiềm ẩn những diễn biến khó lường khi giá dầu biến động mạnh, giá lương thực thực phẩm thế giới dự báo tăng, lạm phát thế giới cũng được dự báo tăng trên các khu vực.2 Điều kiện tiền tệ trên thế giới dự kiến vẫn trong xu thế thắt chặt, trong đó Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chấm dứt gói mua tài sản, kéo theo xu hướng tăng lãi suất tại nhiều nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Dòng vốn tiếp tục biến động phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư kinh doanh, gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động đến dòng chu chuyển thương mại và động lực cạnh tranh. Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới chuyển sang điều kiện cân bằng mới “chặt chẽ” hơn giai đoạn trước đòi hỏi điều hành CSTT của NHNN năm 2019 cần được xác định phù hợp với bối cảnh mới nhằm đảm bảo sự ổn định hài hòa giữa kinh tế vĩ mô với các thị trường nội tệ, ngoại tệ.
Ở trong nước, nền kinh tế đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với các khó khăn thách thức. Điểm thuận lợi lớn là tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục đà hồi phục vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Kỳ vọng vào lạm phát ở mức thấp được neo giữ ngày càng vững; rủi ro vĩ mô giảm mạnh. Niềm tin của nhà đầu tư đối với kinh tế trong nước được củng cố khi Chính phủ chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách, phát triển kinh tế tư nhân, chú trọng tăng trưởng bền vững. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn những rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu nhưng hứa hẹn những cơ hội, cùng với việc Hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ từ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước để tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Với nền tăng trưởng cao năm 2018, Quốc hội và Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở mức khoảng 6,6-6,8% và đây vẫn là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam từ 6,5-7,0% gồm IMF (10/2018): 6,5%; ADB (9/2018): 6,8%; WB (7/2018): 6,8%; EIU (8/2018): 6,9%; ANZ (8/2018): 7,0%; Standard Chartered Bank (10/2018): 6,9%.
Về kiểm soát lạm phát, có những yếu tố thuận lợi để kiểm soát lạm phát năm 2019 theo mục tiêu đặt ra là: (i) Kỳ vọng lạm phát ổn định và được neo quanh mức 4% do thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát những năm qua; (ii) Chính phủ điều hành sát sao giúp quan hệ cung cầu trong nền kinh tế đối với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu được giữ ổn định, cân bằng; không có những cú sốc đột biến, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; (iii) Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc điều chỉnh các loại giá Nhà nước quản lý (điện, y tế, giáo dục), đảm bảo không gây tác động tiêu cực lên kỳ vọng lạm phát và kiểm soát lạm phát tổng thể theo mục tiêu đặt ra; (iv) Giá năng lượng, lương thực có khả năng ổn định hơn trong năm 2019 sau khi đã tăng mạnh trong năm 2018 do nguồn cung có chiều hướng cải thiện (IMF dự báo giá dầu năm 2019 giảm nhẹ 0,9% so với năm 2018; giá thực phẩm trong nước cũng có khả năng ổn định nhờ đẩy mạnh tái đàn chăn nuôi lợn trong năm 2018). Mặc dù vậy, diễn biến khó lường của giá dầu thế giới, giá lương thực thực phẩm trong nước, xu hướng tăng lạm phát trên thế giới, đặc biệt là việc điều chỉnh tăng thuế môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, than từ ngày 1/1/2019 cũng tạo ra thách thức đối với việc kiểm soát lạm phát.
P/V: Quan điểm cũng như những định hướng chính trong điều hành CSTT thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Hà: Về định hướng điều hành chung của NHNN: Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng. Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ và yêu cầu quản lý; ổn định thị trường ngoại tệ; tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát việc cho vay bằng ngoại tệ; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.
Cụ thể: Về điều hành lãi suất, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, NHNN tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp về lãi suất, kết hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong điều hành tỷ giá, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường tài chính, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các công cụ CSTT khác để ổn định thị trường ngoại tệ.
Đối với tín dụng, NHNN điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế. Tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kiên định kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ.
Về định hướng điều hành nghiệp vụ thị trường mở: Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình vốn khả dụng của các TCTD, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối để điều hành chủ động, linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát tiền tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Về định hướng điều hành tái cấp vốn và dự trữ bắt buộc: Thực hiện tái cấp vốn cho TCTD với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác.
P/V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chú thích:
1Theo dự báo của IMF (10/2018), thương mại toàn cầu năm 2018-2019 lần lượt ở mức 4,2% và 4,0% (2017: 5,2%) - giảm 0,6 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7/2018.
2 World Bank dự báo giá lương thực thực phẩm tăng 1,4% trong năm 2019 và duy trì tốc độ tăng tới 2025. IMF (10/2018) dự báo bình quân lạm phát tổng thể tại các nước phát triển sẽ tăng từ mức 1,7% năm 2017 lên 2% năm 2018 và 1,9% năm 2019; bình quân các nước mới nổi và đang phát triển tăng từ mức 4,3% năm 2017 lên 5,0% năm 2018 và 5,2% năm 2019.