Định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới

Bảo Đăng| 31/07/2021 08:55
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia buộc phải xem lại "vị trí", "chỗ đứng" và Việt Nam không phải ngoại lệ, sẽ phải định vị lại nền kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu”.

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 là sản phẩm được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành và liên tục xuất bản, công bố trong 12 năm qua. Báo cáo tập trung phân tích độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển. Từ đó, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam. Với các báo cáo tham luận đi sâu phân tích nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới, định vị lại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hướng tới giải quyết các vấn đề lớn của nền kinh tế trong bối cảnh mới, đóng góp tư vấn chính sách cho các vấn đề kinh tế cấp thiết của đất nước.  

Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia buộc phải xem lại "vị trí", "chỗ đứng" của mình. Có nhiều lý do khiến Việt Nam sẽ phải định vị lại nền kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu như cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức; Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài. Theo ông Lê, năm 2021 có thể coi là một năm bản lề của giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam nên việc định vị lại nền kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu là hết sức quan trọng.

Với việc định vị lại nền kinh tế, theo ông Lê, Việt Nam cũng cần xem xét tới hai nhóm ngành thực phẩm và điện tử bởi thực phẩm là một trong những ngành kinh tế quan trọng, trở thành một ngành khá nhạy cảm và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trong đại dịch COVID-19 do nhu cầu cấp thiết về đảm bảo an ninh lương thực. Đây cũng là nhóm ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất tại Việt Nam và ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ từ ngành nhập khẩu ròng sang xuất khẩu ròng. Trong khi đó, ngành điện tử đóng góp quan trọng về kinh tế và xã hội, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, có nhiều tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đạt được mức độ tăng trưởng và những thành tựu ấn tượng trên thị trường thế giới trong thời gian vả về khía cạnh thương mại và thu hút đầu tư FDI.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, trong bối cảnh biến động toàn cầu vài năm gần đây và đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và khó dự đoán. Việc định vị lại nền kinh tế Việt Nam dựa trên việc đánh giá tương quan và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) cũng như nhìn sâu vào các ngành của Việt Nam để xem lợi thế cạnh tranh, năng lực cạnh tranh.

Năm 2020, kinh tế toàn cầu suy giảm với tăng trưởng âm (-) 3,5%; các nền kinh tế phát triển (AEs) âm (-) 4.7%... việc làm và thu nhập sụt giảm mạnh, giá cả hàng hóa thay đổi mạnh, hệ thống tài chính không rơi vào khủng hoảng nhưng đã xuất hiện những lỗ hổng... Điều này khiến cho việc dự báo trở nên khó khăn hơn, nhiều tổ chức liên tục phải thay đổi dự báo tiềm năng tăng trưởng toàn cầu trước tác động của đại dịch COVID-19.

Đã có nhiều dự đoán rằng các hãng sẽ dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, tuy nhiên, với vị thế là “người chơi thống trị” trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều sản phẩm, Trung Quốc đã không chứng kiến làn sóng dịch chuyển này. Trong tương lai, một số công ty lớn có kế hoạch dịch chuyển/thay đổi một phần sản xuất sang các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi chi phí chuyển đổi đáng kể và các hệ sinh thái phức tạp mà Trung Quốc đã xây dựng xung quanh các GVC khác nhau cũng rất khó để chuyển giao và tái tạo ở những nơi khác. Do đó, chiến lược Trung Quốc + 1 dường như là lựa chọn thực tế và khả thi nhất. Chính vì vậy, bất kể nền kinh tế hoặc tiểu vùng nào đón nhận được sự dịch chuyển này đều có thể có được việc làm và tăng trưởng cao hơn.

Trong bối cảnh ấy, nền kinh tế Việt Nam cũng đã khép lại năm 2020 đầy sóng gió với kết quả tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP cả năm ở mức 2,91% và là một trong số hiếm hoi các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát và khu vực sản xuất cũng như tiêu dùng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ tăng chậm lại ở cả ba khu vực; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng nhanh...

Nguồn: GEP Jun 2021

Theo bà Thu,  triển vọng kinh tế của các đối tác quan trọng của Việt Nam rất khả quan do hầu hết các nước đều có khả năng sản xuất vắc xin và đã thực hiện chiến lược tiêm chủng vắc xin trên diện rộng. Đây chính là điều kiện cần để giúp Việt Nam duy trì được tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thông suốt các hoạt động thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, có đạt được tăng trưởng kinh tế hay không còn phụ thuộc rất lớn vào mức độ kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam cũng như chiến lược “sống chung” với đại dịch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam. Thành công của các nước khác trong kiểm soát dịch bệnh đặc biệt là các nước ở ASEAN cũng có vai trò quan trọng không kém. Tuy nhiên, bà Thu cũng cho rằng, sẽ có những thách thức đặt ra, toàn cầu sẽ có nhiều biến động bởi đại dịch COVID-19, xu hướng số hóa nền kinh tế, thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu, cạnh tranh chiến lược & điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn...

Đề cập tới triển vọng kinh tế Việt Nam 2021, các chuyên gia của VEPR cũng cho rằng, bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ sáng hơn trong năm 2021 nhưng không đồng đều giữa các khu vực và vẫn còn nhiều bất định. Với nền kinh tế Việt Nam, động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Trong khi đó, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do hạn hẹp về nguồn lực tài khóa.

Nguồn: Tổng cục Hải Quan, 2021

Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch hiện nay, VEPR cho rằng, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào kiểm soát dịch bệnh, tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc xin; hiệu quả, phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO