Doanh nghiệp dệt may cần thay đổi, thích nghi để tồn tại

Bùi Trang| 04/03/2021 14:21
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2020, ngành dệt may chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp dệt may cần thay đổi, thích nghi để tồn tại.

 

Dệt may tăng trưởng âm

Theo Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu của ngành dệt may có sự phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2020. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu hàng may mặc đạt 12,35 tỷ USD (giảm 18% so với cùng kỳ), còn trong 6 tháng cuối năm chỉ giảm 7,5% so với cùng kỳ, xuống 16,15 tỷ USD nhờ nhu cầu tăng trở lại từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, cả năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm 10,25% so với cùng kỳ, đạt 35 tỷ USD, ghi nhận năm đầu tiên tăng trưởng âm sau 10 năm.

Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu xơ sợi giảm 15,35% so với cùng kỳ xuống 3,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sợi filament polyester của Việt Nam đạt 298,5 triệu USD, tương ứng với 215,9 nghìn tấn, tăng 55% so với cùng kỳ về số lượng và 20% so với cùng kỳ về giá trị.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong năm 2020, đạt 16,06 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may (giảm 5,8% so với cùng kỳ). Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 14% tổng giá trị xuất khẩu, đạt 4,99 tỷ USD, tiếp theo là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đạt 4,82 tỷ USD và 3,57 tỷ USD.

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Đáng chú ý, Công ty cổ phần May Việt Tiến (mã VGG) ghi nhận lãi ròng năm 2020 giảm mạnh 63,6% so với cùng kỳ do nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chủ chốt giảm, bao gồm Hàn Quốc, Mỹ và EU. Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) chịu ảnh hưởng nặng nề khi khách hàng lớn nhất là RTW Retailwinds đã nộp đơn phá sản vào tháng 7/2020. Sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận ròng năm 2020 của MSH giảm mạnh 63,6%.

Công ty chứng khoán VNDIRECT ước tính doanh thu 2020 của các công ty dệt may niêm yết giảm 15,1% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận ròng 2020 giảm mạnh 20,9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dệt may đã chuyển đổi một phần dây chuyền sản xuất sang khẩu trang y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân, từ đó phần nào bù đắp cho mức sụt giảm về doanh số bán hàng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) có được tăng trưởng lợi nhuận nhờ nhanh chóng đẩy mạnh mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế. Công ty phát triển vải kháng khuẩn, vải có tính năng vượt trội để đáp ứng yêu cầu cao trong xuất khẩu và thời gian giao hàng gấp rút. Nhờ đó, lãi ròng của công ty tăng 28%, đạt 275 tỷ đồng.

Được biết, thời gian tới, TCM dự kiến đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy may - đan - nhuộm để phục vụ đơn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng các đơn hàng sợi và vải ngày càng cao cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Về mặt hàng thời trang, công ty lên kế hoạch phát triển theo hướng online thay vì mở chuỗi bán lẻ để bắt kịp xu hướng mua sắm hiện đại.

Tín hiệu tích cực

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), giá trị xuất khẩu hàng dệt may ước tính sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022 và tăng 67% giai đoạn 2021-2025.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định có những tín hiệu tích cực khi giá trị xuất khẩu xơ sợi phục hồi trong quý IV/2020, đặc biệt dấu hiệu tăng trưởng tích cực trong tháng 12/2020, đạt 386 triệu USD (tăng 2,12% so với cùng kỳ).

Theo báo cáo thị trường dệt may toàn cầu, tổng cầu dệt may thế giới dự kiến sẽ tăng từ 594 tỷ USD năm 2020 lên 654 tỷ USD vào năm 2021 (tăng 10,1% so với cùng kỳ). Sự tăng trưởng này chủ yếu do các công ty đã sắp xếp lại hoạt động sản xuất và dần phục hồi sau ảnh hưởng của COVID-19, vốn dẫn đến các biện pháp hạn chế như giãn cách xã hội, làm việc từ xa và đóng cửa các hoạt động thương mại. Ngân hàng Thế giới dự báo kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ tăng 20% so với cùng kỳ lên 115 tỷ USD, trong khi tổng nhu cầu dệt may đối với thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào năm 2021.

VNDIRECT ước tính giá trị xuất khẩu dệt may sẽ tăng 6,2% so với cùng kỳ lên 6,8 tỷ USD trong quý I/2021 do nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ ở các nước như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc dự báo sẽ hồi phục sau đại dịch. VNDIRECT kỳ vọng xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tăng 8,4% so với cùng kỳ lên 6,4 tỷ USD trong quý II/2021.

Có thể thấy, tham gia vào các hiệp định FTA là động lực tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam. EVFTA sẽ có tác động tích cực đến ngành dệt may trong dài hạn vì các công ty sẽ cần thời gian để phát triển chuỗi sản xuất sợi - dệt - nhuộm - may phù hợp nhằm đáp ứng các quy tắc ban đầu. Điều này sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững và tăng sức cạnh tranh cho hàng dệt may của Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết vào ngày 15/11/2020 giữa 6 nước thành viên ASEAN và 5 nước ngoài ASEAN. RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra một thị trường với 2,2 tỷ người tiêu dùng, tương đương với xấp xỉ 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với Hiệp định RCEP, ngành dệt may Việt Nam sẽ mở ra một thị trường rộng lớn hơn với các cam kết ít khắt khe hơn so với EVFTA và CPTPP.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ gặp những thách thức khi nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ có cơ hội tràn vào Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp dệt may cần thay đổi, thích nghi để tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO