Chi phí đầu tư hạ tầng hoá đơn điện tử lên tới 1 tỷ đồng cho mỗi cây xăng, do đó, doanh nghiệp kiến nghị phải có lộ trình thực hiện và tuỳ thuộc vào nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp lo thua lỗ do chi phí “đội” cả trăm lần
Liên quan đến yêu cầu lập hoá đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12 này đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, mới đây, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có kiến nghị gửi lên Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp phản ánh, hiện nhân lực chưa thể đáp ứng, nhân viên bán xăng chưa được tập huấn nên gặp khó khăn khi vừa bán hàng, vừa xuất hoá đơn và theo dõi quản lý hệ thống hoá đơn điện tử.
Trong khi đó, về trang thiết bị, theo quy định, cột đo xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo để in và cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu. Theo đó, hầu hết doanh nghiệp trên toàn quốc phải bỏ tất cả các đầu số điện tử của trụ bơm đang còn sử dụng để gắn đầu số điện tử mới tương thích với việc gắn được máy in.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, ước tính chi phí đầu tư hạ tầng và công nghệ mỗi cửa hàng khoảng hơn 400 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng. Chi phí này bao gồm chi phí thay thế đầu số điện tử 20 triệu đồng/ cột bơm, thiết bị truyền dẫn dữ liệu 50 triệu đồng, que đo xăng dầu 35 triệu đồng/cột bơm, phần mềm quản lý 30 triệu đồng, hệ thống tin ấn 10 triệu đồng…
Ngoài khoản đầu tư ban đầu này, mỗi lần xuất hoá đơn điện tử, doanh nghiệp mất chi phí lên tới 1.025 đồng/ tờ hoá đơn. Chi phí này tính cho 1 cửa hàng bán 2.000 lít xăng trong ngày cho khoảng 1.000 khách mua lẻ (tính trung bình mỗi khách mua 2 lít xăng, 50.000 đồng), bao gồm chi phí nhân viên, chi phí mua hoá đơn, chi phí quản lý, chi phí điện nước…
“Chi phí này chiếm hết phần lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Tây cho biết. Theo ông này, chiết khấu bình quân mà doanh nghiệp bán lẻ nhận được khi giá tăng giảm chỉ vào khoảng 800 đồng/lít.
Trao đổi với báo chí, ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang nhẩm tính, riêng chi phí cho mỗi tờ hoá đơn cũng rất lớn, khoảng 300-500 đồng. Nếu trước đây 1m3 xăng dầu xuất 1 tờ hoá đơn cuối ngày mất 500 đồng thì nay phải xuất tới 300-400, thậm chí 700-800 tờ, chi phí lên tới 150.000-400.000 đồng. Đi cùng với đó là chi phí cho nhân lực, chi phí điện, internet… đều tăng lên. Thương nhân này lo ngại việc chi phí bị đội lên quá nhiều sẽ khiến doanh nghiệp lỗ, kinh doanh không còn hiệu quả.
Ông Tùng cũng băn khoăn khi khách hàng lẻ hiện chưa có thói quen lấy hoá đơn trong khi doanh nghiệp cũng vẫn phải xuất hoá đơn theo đúng quy định. “Sẽ rất khó khăn khi người mua không cung cấp thông tin do mất thời gian hoặc thấy không cần thiết. Doanh nghiệp muốn tuân thủ quy định pháp luật nhưng nhiều khi không thể đáp ứng được”, ông Tùng nói.
Xin chưa xuất hoá đơn từng lần
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị nên để cho doanh nghiệp bán lẻ thực hiện xuất hoá đơn điện tử như hiện nay mà không xuất theo từng lần.
Trong đơn gửi Chính phủ và Thủ tướng, ông Văn Tấn Phụng, Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai cho biết: "Trường hợp này doanh nghiệp tổng hợp xuất hoá đơn điện tử vào cuối ngày, vẫn đảm bảo sổ sách kế toán khớp giữa hóa đơn đầu vào, đầu ra và hàng tồn kho, kể cả khớp với số cơ của trụ bơm mà cơ quan thuế đang đến cửa hàng xăng dầu ghi nhận hàng quý, bởi xăng dầu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.
Theo ông Giang Chấn Tây, việc áp dụng công nghệ phải có lộ trình và tuỳ thuộc vào nguồn lực tài chính của doanh nghiệp cả nước. “Cơ quan quản lý nên thực hiện vào thời gian thích hợp vì hiện tại hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều bị thua lỗ rất nặng nên không còn khả năng đầu tư trang thiết bị quá nhiều tiền”, ông Tây kiến nghị.
Việc xuất hoá đơn điện tử là việc 100% doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Tây, doanh nghiệp lớn như Petrolimex cũng không đảm bảo việc xuất hoá đơn mỗi lần bơm, họ cũng tổng hợp những khách lẻ mua hàng không lấy hoá đơn nhưng với thời gian ngắn hơn. “Về bản chất không khác gì doanh nghiệp bán lẻ hiện nay đang xuất cuối ngày về số lượng khách mua lẻ không lấy hoá đơn”, ông Tây bình luận.
Giám đốc công ty xăng dầu này đề nghị Chính phủ thực hiện việc giám sát chặt chẽ, công khai đầy đủ số liệu, hiệu quả của việc xuất hoá đơn điện tử từng lần tại các cửa hàng Petrolimex trong 24 tháng để chứng thực cho doanh nghiệp bán lẻ về lợi ích và hiệu quả kinh tế cũng như việc chống thất thu thuế có kết quả như thế nào trước khi áp dụng rộng rãi.
Bình luận về thời hạn tháng 12 phải hoàn thành xuất hoá đơn điện tử theo lần bán và kết nối với cơ quan thuế, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, quy định về hoá đơn điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7 năm ngoái. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hoá đơn điện tử nhưng một số doanh nghiệp chưa có kết nối với cơ quan thuế. Để đảm bảo theo đúng chỉ đạo, ngay trong tháng 12 này, doanh nghiệp nào chưa có kết nối sẽ phải thực hiện xuất hoá đơn bằng tay cho khách mua hàng.
“Nghị định 123 đã có quy định tương đối cụ thể cho tất cả các lĩnh vực, riêng xăng dầu là lĩnh vực đặc thù cần có giải thích, hướng dẫn thêm giữa Tổng cục Thuế và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ vừa đôn đốc, vừa có ý kiến để cơ quan thuế có chỉ đạo rõ ràng giúp doanh nghiệp thực hiện tốt nhất”, ông Bảo cho biết.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá các quy định về hoá đơn điện tử trong lĩnh vực xăng là phù hợp và đúng đắn, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng giữa ngành xăng dầu nói riêng và toàn xã hội nói chung.
“Doanh nghiệp phải thống kê lượng bán ra, mua vào là cần thiết cho việc điều hành của Nhà nước. Khi cần xả quỹ bình ổn, khi nào cần tăng giảm giá, cơ quan quản lý phải biết bán được bao nhiêu thì tính mới đúng được”, ông Thịnh bình luận.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng thừa nhận có khó khăn, tốn kém chi phí khi doanh nghiệp phải kết nối vào bộ xuất hoá đơn và cơ quan thuế. Do đó, một số ngành đặc thù như bán lẻ xăng dầu cần thời gian chuyển tiếp, cần lộ trình khi thực hiện.