Đôi điều cần biết về sự sụp đổ của tiền mã hóa Luna và Terra

Hải Yến| 18/05/2022 11:17
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sự sụp đổ của hai đồng tiền mã hóa ít được biết đến hơn, TerraUSD và người “chị em” Luna  gợi nhớ về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong những ngày qua, thế giới tiền mã hóa đã phải đối mặt với một sự rung chuyển dữ dội do sự sụt giảm “thẳng đứng” của một stablecoin có tên là TerraUSD và người “chị em” của nó là Terra Luna. Vụ việc đã làm chao đảo thị trường tiền mã hóa và các mã khác bao gồm Bitcoin và Tether cũng lao đao. Terra Luna giờ gần như vô giá trị. Chỉ tính riêng trong tuần trước, giá Bitcoin đã giảm khoảng 25%; trong sáu tháng qua đồng tiền mã hóa này đã giảm hơn 50% giá trị. Một số người đã so sánh sự sụp đổ này với sự sụp đổ tài chính năm 2008.

Các nhà đầu tư tiền mã hóa chờ đợi tăng giá đang hoảng sợ. Một số đã phải “nhấn phanh”, số khác đã suy sụp. 

Thị trường tiền mã hóa ồn ào trong những ngày qua cho thấy mức rủi ro cao có thể đi kèm với một hệ thống tài chính non trẻ, mà phần lớn vẫn chưa được kiểm soát. Nhưng điều gì đã thực sự xảy ra? Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phần còn lại của hệ sinh thái tiền mã hóa? Terra là gì, và tại sao nó lại có “chị em” gọi là Luna? 

Stablecoin là gì?

Stablecoin là một loại tiền mã hóa được thiết kế để gắn với một tài sản khác, như đô la Mỹ (USD) hoặc đồng euro. Chúng được tạo ra để ít biến động hơn so với các loại tiền mã hóa khác như Bitcoin hoặc Ether, có thể dao động mạnh suốt trong ngày.

Stablecoin đóng vai trò như một liên kết trở lại với hệ thống tài chính truyền thống, hoạt động như một loại tiền tệ có giá trị được nhiều người ghi nhận. Các nhà đầu tư muốn giữ tiền của họ trong hệ sinh thái tiền mã hóa có thể chuyển sang stablecoin để tránh những thăng trầm của thị trường.

Một số stablecoin phổ biến là Tether, có vốn hóa thị trường lớn nhất và USD Coin, được thành lập cùng với sàn giao dịch Coinbase Global. Về mặt lý thuyết, một stablecoin được gắn với USD sẽ duy trì giá trị của nó là 1 USD cho mỗi token - nhưng đó hoàn toàn không phải là những gì đã xảy ra trong những ngày gần đây.

TerraUSD và Terra Luna là gì?

Trong khi một số stablecoin, như Tether, được cho là có bảo đảm bằng tài sản, những loại khác dựa vào các thuật toán phức tạp để duy trì tỷ giá của chúng với đồng USD.

TerraUSD là một trong những loại tiền stablecoin sử dụng thuật toán này. Đồng tiền này cố gắng duy trì giá trị tương tự như USD bằng cách sử dụng một cơ chế bập bênh phức tạp với một loại tiền mã hóa có liên quan, được gọi là Terra Luna (hoặc Luna). Trong khi 1 TerraUSD luôn được cho là có giá trị chính xác là 1 USD, giá trị của Luna có thể dao động. Về bản chất, TerraUSD sử dụng Luna như một đối trọng để duy trì chốt giá quy đổi với đồng USD.

Đây là cách nó hoạt động: Bạn đốt hoặc phá hủy TerraUSD để đúc, hoặc tạo ra Luna, và ngược lại. Đốt một TerraUSD luôn mang lại cho bạn 1 Luna, có giá trị tương đương 1 đô la và đốt 1 đô la giá trị của Luna mang lại cho bạn 1 TerraUSD. Nó giống như một chiếc bập bênh, nơi TerraUSD ở một đầu và Luna ở đầu kia.

Hãy tưởng tượng giá trị của TerraUSD giảm nhẹ để bây giờ nó có giá trị là 0,99 đô la. Vì luôn có thể đổi 1 TerraUSD lấy Luna có trị giá 1 đô la, những người thông minh sẽ chớp ngay cơ hội mua thứ gì đó trị giá 1 đô la với giá 99 xu và kiếm được một khoản lãi nhỏ là 1 xu. Vì vậy, họ đốt TerraUSD của mình để đúc Luna và kiếm lợi nhuận.

Khi ngày càng nhiều người nắm giữ TerraUSD cố gắng kiếm 1 xu lợi nhuận đó bằng cách đốt nó để đúc Luna, nguồn cung TerraUSD giảm và giá của nó tăng cho đến khi chạm mức chốt 1 đô la.

Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng có rất nhiều người đang tận dụng chênh lệch giá khiến giá 1 TerraUSD thực sự tăng lên 1,01 đô la. Giờ đây, điều này có nghĩa là những người đang nắm giữ Luna nhận ra rằng nếu họ đốt Luna trị giá 1 đô la, họ có thể nhận được TerraUSD và kiếm thêm một xu lợi nhuận. Vì vậy, khi ngày càng nhiều người đốt  Luna  để tạo ra TerraUSD, nguồn cung TerraUSD sẽ tăng lên và giá của nó giảm xuống cho đến khi chạm mức 1 đô la.

Vậy điều gì đã xảy ra với TerraUSD và Terra Luna?

Về cơ bản, sự cân bằng giữa TerraUSD và Luna đã bị phá vỡ.

Lý do lớn nhất mà hầu hết mọi người nắm giữ TerraUSD là vì một thứ gọi là Giao thức Neo (Anchor Protocol ). Đây là một giao thức tiết kiệm dựa trên blockchain Terra, cung cấp cho người dùng của nó lợi suất lên đến 20%. Anchor giúp rút tiền nhanh chóng cũng như trả cho người gửi tiền với lãi suất biến động rất thấp. 

Trong những tháng trước, thật là hợp lý nếu chỉ cần gửi TerraUSD vào tài khoản Anchor và chờ đợi khoản lợi nhuận 20%, nhất  là vì cũng không có nhiều thứ để có thể thực sự sử dụng tiền mã hóa. Theo Coindesk, cho đến gần đây, khoảng 75% lượng TerraUSD đang lưu hành đã được gửi vào Anchor.

Nhưng vào tháng 3 năm nay, Anchor đã thông qua một nghị quyết thay thế tỷ lệ cố định 20% bằng một tỷ lệ thay đổi. Sau đó, tờ Wall Street Journal cho biết đã có một lượng lớn TerraUSD được rút khỏi Anchor, khiến các nhà giao dịch lo lắng và thúc đẩy họ bán các token TerraUSD và Luna. Một nhóm các nhà đầu tư khác đã sử dụng một dự án blockchain có tên là Curve Finance để hoán đổi TerraUSD lấy các stablecoin khác.

Mọi người bắt đầu tìm kiếm lối ra bằng cách đốt TerraUSD để đổi lấy Luna. Nguồn cung Luna tăng vọt khiến giá giảm mạnh. Theo một nghĩa nào đó, Luna đã bị đẩy khỏi bập bênh.

Khi ngày càng có nhiều người cố gắng bán TerraUSD, cơ chế cân bằng ngừng hoạt động - TerraUSD bị rớt và Luna cũng vậy. Ngày 13/5, đồng Luna gần như trở nên vô giá trị, chỉ còn dưới 1 xu.

Điều này có ý nghĩa gì đối với các đồng tiền khác?

Thị trường tiền mã hóa, giống như các hệ thống tài chính khác, rất phức tạp. Khi TerraUSD giảm, khoản lỗ đổ vào các loại tiền mã hóa khác. Ngày 12/5, Tether đã giảm xuống còn 0,96 đô la, mặc dù sau đó  đã tăng trở lại để khớp với giá trị của đồng USD một lần nữa. Khi Tether giảm, Bitcoin cũng giảm xuống còn khoảng 25.400 USD, giá trị thấp nhất kể từ tháng 12/2020, trước khi tăng lên khoảng 29.500 USD vào ngày 13/5.

Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, nhìn chung, toàn bộ thị trường tiền mã hóa đã giảm hơn một nửa kể từ tháng 11/2021, giảm từ 2,9 nghìn tỷ USD xuống 1,2 nghìn tỷ USD.

Hơn nữa, sự cố có thể có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống tài chính truyền thống. Một số nhà giao dịch truyền thống sở hữu tiền mã hóa, nếu lượng tiền mã hóa của họ giảm xuống, điều đó có thể ảnh hưởng đến cách các nhà giao dịch đó hoạt động ở những nơi khác.

Tất cả những điều này có thể có tác động gì?

Đầu tiên, những con người thực dường như đang mất rất nhiều tiền. Trên mạng xã hội Reddit, một thành viên của diễn đàn Terra Luna viết: “Tôi mất hơn 450.000 USD, không trả được ngân hàng. Tôi sẽ mất nhà sớm. Tôi sẽ trở thành người vô gia cư. tự tử là lối thoát duy nhất cho tôi ”. Các thành viên khác đã chia sẻ những câu chuyện cá nhân về những lần cố gắng tự tử trong quá khứ và chia sẻ các nguồn tài nguyên phòng chống tự tử.

Người phát ngôn của Reddit cho biết trong một tuyên bố với BuzzFeed News: “Sự an toàn và sức khỏe của người dùng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi thực hiện các bước tích cực để cung cấp hỗ trợ và tài nguyên trên nền tảng của mình”. 

Sự việc trên cũng đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi cần có thêm nhiều quy định hơn. Làm chứng trước Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị Thượng viện vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã đề cập đến sự sụt giảm của TerraUSD. “Tôi nghĩ rằng điều đó chỉ đơn giản minh họa rằng đây là một sản phẩm đang phát triển nhanh chóng và có những rủi ro đối với sự ổn định tài chính và chúng tôi cần một khuôn khổ phù hợp,” bà nói.

Trong khi đó, sự cố này đã bao phủ nghi ngờ đối với toàn bộ thị trường tiền mã hóa. Và bây giờ đã rõ ràng: Thậm chí không phải cái gọi là đồng ổn định (stablecoin) là ổn định như đã tuyên bố.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đôi điều cần biết về sự sụp đổ của tiền mã hóa Luna và Terra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO