Đôi nét về lễ Ban sóc dưới triều vua Tự Đức

Trương Trọng Bình| 30/01/2022 10:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ban sóc là lễ ban lịch mới được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Lễ này được tổ chức thực sự quy mô vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi cơ quan Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ Ban sóc dưới sự điều hành của hai vị quan ở Bộ Lễ và Khâm Thiên Giám.

Lịch được tiến vào hoàng cung để hoàng gia dùng, đồng thời được phát cho các quan ở Kinh thành Huế, các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Tái hiện lễ Ban sóc tại kinh thành Huế

Năm Tự Đức thứ 12 (1869), việc ban lịch được chuẩn theo thứ hạng và số lượng được liệt kê theo thứ tự như sau:

- Thân công: Lịch 30 quyển, trong có hai quyển bảo lịch.

- Quốc công: Lịch 28 quyển, trong có hai quyển bảo lịch.

- Quận công: Lịch 26 quyển, trong có hai quyển bảo lịch.

- Hoàng thân chưa phong: Lịch 15 quyển, trong có một quyển bảo lịch.

- Quận công tập phong, ân phong: Lịch 10 quyển, trong có một quyển bảo lịch.

- Tập phong hầu tước: Lịch 6 quyển, trong có một quyển bảo lịch.

- Đình hầu: Lịch 4 quyển, trong có một quyển bảo lịch.

- Công tử: Lịch 3 quyển.

- Công tôn: Lịch một quyển.

- Các hệ tôn thất: Lịch 400 quyển.

- Con trưởng của Thái thái trưởng công chúa, Thái trưởng, công chúa, mỗi người đều một cuốn lịch.

Quan viên văn võ ở trong ngoài kinh như:

- Chánh nhất phẩm: Lịch 25 quyển, trong có một quyển bảo lịch.

- Tòng nhất phẩm: Lịch 23 quyển, trong có một quyển bảo lịch.

- Chánh nhị phẩm: Lịch 20 quyển, trong có một quyển bảo lịch.

- Tòng nhị phẩm: Nếu là tham tri, Phó đô ngự sử ở Kinh, các Tuần phủ ở ngoài Kinh, cấp lịch đều 18 quyển, trong có một quyển bảo lịch.

- Chánh tam phẩm: Nếu là ấn quan các nha ở Kinh, Bố chính, Lãnh binh ở ngoài Kinh, cấp lịch đều 12 quyển, trong có một quyển bảo lịch. Còn ngoài ra đều 10 quyển. Riêng Vệ úy 6 quyển.

- Tứ phẩm: Nếu là Biện lý Bộ vụ sung biện các vụ ở Kinh, hoặc Án sát ở ngoài, cấp lịch đều 8 quyển, trong có một quyển bảo lịch. Còn ngoài ra đều 5 quyển. Riêng Chính, Phó quản cơ, Thành thủ úy trong và ngoài Kinh, cấp lịch đều 3 quyển.

- Ngũ phẩm: Lịch đều 3 quyển. Riêng cai đội, Suất đội ở Kinh và Cai đội ở ngoài Kinh, cấp lịch đều 2 quyển.

- Lục, Thất phẩm: Nếu là Đồng tri phủ, Tri châu, Tri huyện, cấp lịch đều 3 quyển. Ngoài ra đều 2 quyển. Riêng chư quân Suất đội, Tri bạ lãnh Điển ty và Suất đội thuộc các phủ, cấp lịch đều một quyển.

- Bát, Cửu phẩm: Nếu là Huấn đạo, lịch đều hai quyển. Ngoài ra, cấp lịch đều một quyển.

- Tọa giám Cử nhân, Giám sinh, Tôn sinh, Ấm sinh, học sinh, cấp lịch đều một quyển. Vị nhập lưu thư lại các nha ở Kinh, cấp lịch đều một quyển. Ấm tử đăng ký danh sách ở Anh Danh, cấp lịch đều một quyển. Thuộc lại các phủ, cấp hai người một quyển lịch. Vị nhập lưu thư lại ở hai ty Bố chính và Án sát các tỉnh, tỉnh lớn, cấp lịch đều 50 quyển, tỉnh trung bình cấp 30 quyển, tỉnh nhỏ 20 quyển. Nha lại các phủ, mỗi nha cấp lịch đều 5 quyển. Nha lại các châu huyện, mỗi nha cấp lịch đều 3 quyển. Các ty Lễ Sinh, Chiêm Hậu, Bưu Truyền, Lương Y ở các tỉnh, mỗi ty cấp lịch đều hai quyển. Binh đinh ở các vệ, cơ, đội trong chư quân, mỗi đội cấp lịch một quyển. Các tổng xã thôn phường ấp, cấp lịch đều một quyển. Các quan tấn, đồn lũy, dịch trạm, mỗi sở cấp lịch một quyển. các Tương cục, Ngư hộ, các biệt nạp, miếu phu các đàn, cấp lịch đều một quyển. Ty Hành nhân Thông ngôn cấp lịch 9 quyển. Ty Pháp Lục, Y Tượng, cấp lịch mỗi ty hai quyển. các chùa nhà nước, cấp lịch mỗi chùa hai quyển. Linh Hựu Quán, Pháp Lục, Đạo Lục, cấp lịch mỗi ty đều hai quyển. Ngoài ra, Khâm Thiên Giám cũng gửi lịch về các địa phương nhân bản để ban phát cho người dân. 

Việc biên soạn và ban phát lịch dưới triều Nguyễn nói chung, triều vua Tự Đức nói riêng, là một hoạt động văn hóa thể hiện chính sách quý dân và trọng nông của triều Nguyễn. Cuốn lịch đó giúp cho dân biết sống thuận theo sự vận hành của trời đất, tạo được sự yên ổn tinh thần trong công việc làm ăn. Một việc làm của nhà nước có tác dụng đến từng gia đình. Ngày xưa, ông bà ta mua một cuốn lịch là rước cái ơn vua, rước chúa Xuân về nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đôi nét về lễ Ban sóc dưới triều vua Tự Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO