Đổi thay trên vùng đất "thiếu mưa, thừa nắng"

Thanh Hải| 11/06/2022 09:09
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất muối và năng lượng tái tạo trong việc tạo sinh kế cho người dân đang góp phần giúp huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận -  nơi được mệnh danh là vùng đất "thiếu mưa, thừa nắng" nhất cả nước đang thay da, đổi thịt từng ngày.

Sau 2 giờ bay, cộng với 1 giờ chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại Tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối lớn nhất Việt Nam do Tập đoàn BIM Group đầu tư tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Đây được xem là tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối lớn nhất Việt Nam, với diện tích lên tới 2.500 ha và tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng.

Tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối của BIM Group tại Ninh Thuận

Dòng vốn từ doanh nghiệp đã góp phần tạo sinh kế và ổn định cuộc sống cho người dân địa phương

Trong các cuộc tiếp xúc với người dân sinh sống quanh khu vực tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối của Tập đoàn BIM Group, chúng tôi nhận thấy điểm chung nhất là người dân nơi đây đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống và những đổi thay trên mảnh đất quê hương mình.

Diêm dân tại cánh đồng muối Quán Thẻ 2 thuộc Công ty CP muối Cà Ná Ninh Thuận

Qua trao đổi, diêm dân Triệu Định Vương, làm việc tại Công ty CP muối Cà Ná Ninh Thuận (thuộc Tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối của BIM Group) cho biết, anh được nhận vào công ty làm công nhân sản xuất muối. So với những công việc trước đây, làm việc tại BIM Group giúp cuộc sống của anh và gia đình ổn định hơn.

“Trước khi về làm công nhân muối, tôi làm công nhân xây dựng tại TP Hồ Chí Minh. Dù thu nhập cao hơn hiện nay nhưng cuộc sống khi đó không thực sự ổn định. Làm việc cho BIM Group, ngoài mức lương ổn định được trả hàng tháng, công ty còn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và mua thêm bảo hiểm tai nạn lao động của Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho người lao động. Với chế độ đãi ngộ này, giúp chúng tôi an tâm ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương mình”, diêm dân Triệu Định Vương chia sẻ.

Tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối lớn nhất Việt Nam do Tập đoàn BIM Group đầu tư tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Đây được xem là tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối lớn nhất Việt Nam, với diện tích lên tới 2.500 ha và tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng.

Trải qua nhiều đơn vị công tác, ban đầu là nông trường trồng bông, tiếp đến là Công ty CP Muối Ninh Thuận và từ năm 2007 đến nay là Công ty CP Sản xuất và Chế biến Muối BIM, ông Cao Văn Tuyến, công nhân lái máy xúc cũng khẳng định: “Công việc hiện tại giúp tôi ổn định, có điều kiện chăm lo cho gia đình hơn”.

Nhớ lại thời điểm cách đây gần 20 năm, ông Tuyến cho biết, khoảng thời gian là công nhân nông trường bông, kinh tế gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình khác rất khó khăn. Bởi việc trồng bông phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước nên 1 năm chỉ có 6 tháng trồng được cây, 6 tháng còn lại không có việc làm.

“Tuy nhiên, sau khi Công ty muối Ninh Thuận được thành lập rồi sau đó trở thành Công ty Muối BIM, đời sống của người dân quanh đây đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực”, ông Tuyến chia sẻ và cho biết thêm: “Dù đã đến tuổi về hưu nhưng tôi vẫn mong muốn tiếp tục làm việc và cống hiến sức lao động cho công ty”.

 

Cũng đến tuổi về hưu như ông Tuyến, ông Trần Xuân Phong, công nhân xây dựng tại Tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối của BIM Group cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được làm việc. “Tôi cảm thấy yên tâm với chế độ đãi ngộ tại công ty. Năm nay đã đến tuổi về hưu (60 tuổi), nếu được công ty chấp thuận, tôi vẫn mong muốn được ở lại làm việc”, ông Phong chia sẻ.

Điều đặc biệt trong số các gia đình được chúng tôi đến thăm, gia đình ông Phong có hai thế hệ đều đang làm việc cho tổ hợp này là ông Phong và các con. Cả gia đình ông đều sinh sống ổn định trên chính mảnh đất được mệnh danh “thiếu mưa, thừa nắng”.

Nhìn rộng ra vùng dân cư chịu tác động của Tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối này, ông Cao Văn Tuyến cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây cơ bản ổn định. “80 – 90% người dân đều làm việc trong Tổ hợp của BIM Group, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực không còn”, ông Cao Văn Tuyến chia sẻ.

 

Tại Báo cáo Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2021 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, các cơ chế, chính sách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương tỉnh Ninh Thuận ban hành để thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 đã phát huy hiệu quả, tạo sức thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư; thu hút được các nhà đầu tư chiến lược; đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo... Qua đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 23.767 hộ nghèo (năm 2016) xuống còn 8.280 hộ nghèo vào năm 2021.

Hướng đến chuỗi kinh tế xanh

Những chính sách, cơ chế đặc biệt được Chính phủ ban hành (Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam) đã giúp Ninh Thuận trở thành “thủ phủ năng lượng tái tạo”.

 

Tại Báo cáo “Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022”, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục xác định năng lượng tái tạo tiếp tục là một trong những khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế tỉnh. Đây sẽ là cơ sở thuận lợi để các tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo yên tâm, tin tưởng đầu tư, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh Ninh Thuận.

Lựa chọn của UBND tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn có cơ sở khi những dự án năng lượng tái tạo của các tập đoàn kinh tế đã đưa Ninh Thuận từ vùng đất nghèo khó vươn mình trỗi dậy khẳng định mình. Trong số những doanh nghiệp năng lượng tái tạo trên, BIM Group được biết đến có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận nói chung, huyện Thuận Nam nói riêng.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, các cơ chế, chính sách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương tỉnh Ninh Thuận ban hành để thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 đã phát huy hiệu quả, tạo sức thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư; thu hút được các nhà đầu tư chiến lược; đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo...

Dự án khởi đầu của BIM Group tại Ninh Thuận là trong lĩnh vực nông nghiệp: một trong ba đồng muối lớn nhất Đông Nam Á, sản xuất muối sạch, chất lượng cao từ năm 2006. Đồng muối Quán Thẻ và nhà máy sản xuất muối sạch có sản lượng trên 300.000 tấn/năm, mang lại hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương. Tiếp đó, tại vùng đất nắng này, BIM Group tập trung đầu tư phát triển mảng năng lượng tái tạo theo hướng 3 trong 1, chính là tối ưu hóa sử dụng đất đồng muối để sản xuất nông nghiệp, sản xuất năng lượng và chế biến muối sạch sử dụng năng lượng tại chỗ (do đất nhiễm mặn không phù hợp trồng trọt), từ đó các nhà máy điện gió và điện mặt trời đã ra đời.

Tới thời điểm hiện nay, Tổ hợp kinh tế xanh sản xuất muối sạch và năng lượng tái của BIM Group tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã được đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách gần 1.000 tỷ đồng trong thời gian xây dựng và tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương.

Cụm nhà máy điện mặt trời của BIM Group tại Ninh Thuận

Vào tháng 4/2019, BIM Energy thuộc BIM Group đã khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời với tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng tại Ninh Thuận. Tới năm 2020, cụm nhà máy đã đạt tổng công suất 405 MWP. Tiếp đến, ngày 30/9/2021 đánh dấu bước tiến quan trọng của BIM Energy với việc đi vào vận hành thương mại Nhà máy Điện gió BIM với tổng công suất 88 MW và vốn đầu tư 3.110 tỷ đồng. Nhà máy Điện gió BIM chính thức vận hành thương mại (COD) đã hoàn thiện giai đoạn đầu tiên trong quá trình hiện thực hóa chiến lược khai thác bền vững, tối ưu hóa tài nguyên đất của BIM Group bằng mô hình Khu Kinh tế muối và năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam.

Đến nay, BIM Group đảm bảo ổn định việc làm cho 1.017 lao động; hoạt động sản xuất kinh doanh ở 3 lĩnh vực muối, điện mặt trời và điện gió, ghi nhận tổng doanh thu 1.718,2 tỷ đồng, nộp NSNN 316,42 tỷ đồng. Năm 2022, tổ hợp dự kiến sẽ nộp ngân sách Nhà nước 163,3 tỷ đồng. Số lao động được sử dụng khoảng 1.100 lao động.

 

Ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BIM Group chia sẻ: “Tại Ninh Thuận, chiến lược của doanh nghiệp đã gặp được sự đồng thuận và ủng hộ của chính quyền địa phương giúp chúng tôi triển khai hiệu quả các dự án. Từ nền tảng xây dựng các ngành kinh doanh bền vững trên một diện tích đất, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển những dự án mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế của mô hình với những sản phẩm kết hợp được lợi thế các ngành”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay trên vùng đất "thiếu mưa, thừa nắng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO