Chứng khoán

Đón đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III

Quỳnh Dương 25/09/2023 - 10:55

Áp lực bán lan rộng toàn thị trường kéo chỉ số VN-Index giảm mạnh 2,8% trong tuần qua. Dù vậy, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 đến gần được kỳ vọng sẽ giúp thị trường lấy lại cân bằng.

Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường trước áp lực tỷ giá gia tăng và động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước trong hai phiên cuối tuần nhằm hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng để hạn chế tình trạng đầu cơ tỷ giá. Diễn biến này đã kích hoạt đà bán tháo trong hai phiên cuối tuần và kéo các cổ phiếu đầu cơ điều chỉnh mạnh.

Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất, cho thấy dấu hiệu dòng tiền đầu cơ suy yếu và chuyển sang trạng thái phòng thủ. Nhóm cổ phiếu bất động sản của điều chỉnh mạnh, làm trầm trọng thêm đà điều chỉnh của thị trường. Ngược lại, nhóm cổ phiếu xuất khẩu là nhóm hiếm hoi ghi nhận diễn biến tích cực trong tuần này nhờ được hưởng lợi từ diễn biến tỷ giá gần đây và triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Kết tuần chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận điều chỉnh 34,3 điểm, tương đương mức giảm 2,8% so với cuối tuần trước.

ksdncla.jpg

Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index giảm 3,8% xuống 243,2 điểm và chỉ số UPCoM-Index giảm 3,2% xuống 90,8 điểm. Tuần này, VIC (-6,7%), VHM (-5,0%), VPB (-5,8%) và MSN (-5,4%) là các cổ phiếu kéo giảm thị trường, lấy đi tổng cộng 10 điểm từ VN-Index. Ngược lại, DGC (+7,9%), VHC (+8,6%) và STB (+1,2%) đã kìm lại đà bán tháo của thị trường.

Xu hướng bán tiếp tục duy trì với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn giảm nhẹ, đạt giá trị 27.214 tỷ đồng (-10,2% so với tuần trước). Tuần này, khối ngoại bán ròng 1.650 tỷ đồng (-23,4% so với tuần trước) trên HOSE đồng thời bán ròng nhẹ trên HNX 5,4 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 12 tỷ đồng) và 45 tỷ đồng trên UPCOM (tuần trước mua ròng 30 tỷ đồng). Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 1.700 tỷ đồng trên cả ba sàn.

kbascs.jpg

Nhận định về thị trường tuần này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, VNDIRECT, thị trường sẽ không mất nhiều thời gian để ổn định trở lại và phục hồi, nhà đầu tư cân nhắc nâng tỷ trọng cổ phiếu để đón đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán tháo trong phiên cuối tuần qua sau diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỷ giá.

Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN.

“Thực tế, tôi cho rằng bước đi này của NHNN không phải là một bước đi nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá. Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó”, ông Đinh Quang Hinh đánh giá.

Cũng theo vị chuyên gia, bản thân NHNN cho biết vẫn tiếp tục các giải pháp nhằm duy trì thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế, do đó thị trường có thể sớm nhìn nhận lại về động thái phát hành tín phiếu vừa qua của NHNN.

Bên cạnh đó, tâm lý thị trường có thể ổn định trở lại sau khi những tin đồn liên quan tới lãnh đạo HOSE và điều chỉnh danh mục margin của một công ty chứng khoán top đầu được đính chính và làm rõ.

Đồng thời, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn (tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong quý III/2023 so với tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nay) sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới.

Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và nâng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm, nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanhh chuyển biến tích cực trong hai quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng).

Còn theo CTCK MB (MBS), thị trường chứng khoán trong nước sẽ bước vào tuần cuối tháng 9 với một số thông tin được giới đầu chờ đợi như loạt dữ liệu vĩ mô quý III, hoạt động chốt NAV của các quỹ,... do vậy một số cổ phiếu điều chỉnh sớm và mạnh hơn chỉ số, về vùng hỗ trợ sẽ nhận được lực cầu bắt đáy.

Tuy vậy, MBS cũng thận trọng dự báo, thanh khoản thị trường khả năng không tăng hoặc có thể suy giảm khi dòng tiền trở nên thận trọng sau 2 tuần điều chỉnh với thanh khoản ở mức cao.

sbhfkshdcfka.jpg

Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2022 khi các ngân hàng trung ương toàn cầu đồng thuận giữ lãi suất "cao hơn trong thời gian dài hơn". Mối lo ngại cũng gia tăng xung quanh vấn đề đóng cửa chính phủ Mỹ, điều này có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và khiến nền kinh tế trì trệ hơn. Chỉ số chứng khoán toàn cầu (MSCI ACWI), thước đo dựa trên thị trường chứng khoán của 47 quốc gia giảm 2,7%, đây cũng là tuần giảm thứ 2 trong 3 tuần gần đây.

Giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn hiện là quan điểm chính thức của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng như được các nhà hoạch định chính sách tiền tệ từ các nền kinh tế lớn khác.

FED đã tiếp tục duy trì lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% nhưng nhấn mạnh rằng họ sẽ vẫn cứng rắn trong cuộc chiến lạm phát có thể sẽ kéo dài đến năm 2026. Tại châu Âu, Chủ tịch ECB Christine Lagarde kiên quyết rằng không thể loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm đối với khu vực đồng euro. Các ngân hàng trung ương của Na Uy và Thụy Điển đều phát tín hiệu rằng họ có thể tăng lãi suất trở lại, thậm chí Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng đưa ra triển vọng tăng lãi suất hơn nữa mặc dù lạm phát ở mức khá thoải mái là 1,6%.

Mặc dù lạm phát đã dần dần hạ nhiệt, nhưng lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế lớn vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương cho là lành mạnh.

Tại châu Á, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục ngược dòng chứng khoán thế giới trong tuần qua, chỉ số Shanghai Composite tăng nhẹ 0,47% khi Trung Quốc đang tìm cách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đồng nhân dân tệ đã bị ảnh hưởng từ mọi mặt khi dòng tiền rời khỏi thị trường tài chính nước này, các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế từ Trung Quốc.

Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy dòng vốn trong tài khoản vốn đã rút ròng 49 tỷ USD vào tháng 8, mức lớn nhất kể từ tháng 12/2015. Dữ liệu mới nhất được Bloomberg tổng hợp cho thấy dòng vốn chảy ra nước ngoài trong tháng 8 của Trung Quốc đã đạt 49 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2015 và có khả năng gây thêm áp lực lên nhân dân tệ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đón đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO