Trước sức hấp thụ vốn tín dụng tăng chậm, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình sản phẩm tín dụng hấp dẫn cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng với lãi suất ưu đãi nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng cho khách hàng…
Đáng chú ý, nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, sáng tạo, ngành Ngân hàng Đồng Tháp đã thực hiện tốt Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm đưa nguồn vốn đến với nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó, góp phần cùng các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện thành công mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho thấy, đến cuối tháng 4/2024, tổng số dư huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 68.055 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cuối tháng 3/2024. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 109.482 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 868 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,8%.
Được biết, đến nay hệ thống ngân hàng tỉnh Đồng Tháp đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 785 lượt khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Tổng dư nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (cả gốc và lãi) đạt khoảng 268,6 tỷ đồng.
Đối với chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đến nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giải ngân cho vay khoảng 52 tỷ đồng, trong đó một số doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này với lãi suất 5,12%/năm.
Ông Vương Trí Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp chia sẻ, 4 tháng đầu năm 2024, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, như: chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các lĩnh vực mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh của địa phương, nhờ vậy mà hoạt động cho vay vốn được tăng trưởng khá đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp.
Thực tế, chủ lực là ngân hàng Agribank Đồng Tháp áp dụng nhiều nguồn vốn hỗ trợ chương trình tín dụng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp nông thôn. Theo đó, khách hàng (bao gồm cả hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình liên kết được vay vốn với nhiều cơ chế ưu đãi hơn so với các khoản vay thông thường.
Từ nguồn vốn vay, góp phần hỗ trợ giải quyết được khó khăn về vốn cho sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, cải thiện năng lực trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, khai thác cũng như chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã để sản phẩm nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững... Kết quả tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng Agribank Đồng Tháp hơn 25.290 tỷ đồng, đạt 99,2% kế hoạch quý I/2024 giao. So với đầu năm tăng 514 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 2,08%...
Là một trong những nhà vườn tiên phong đưa cây na Hoàng Hậu về trồng ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, thời gian đầu, anh Phạm Văn Đức, Tổ trưởng tổ hợp tác na Hoàng Hậu Vĩnh Thới gặp không ít trở ngại, song với tinh thần ham học hỏi, chịu khó nghiên cứu và được hỗ trợ vốn vay từ Agribank, anh đã thành công với cây trồng mới của địa phương. Từ 3 công trồng thử nghiệm, đến nay, anh Đức mở rộng diện tích trên 2ha và được ngân hàng nâng hạn mức tín dụng cho vay cao hơn để quay vòng vốn sản xuất kinh danh.
Ông Hồ Văn Nguyên, Phó Giám đốc Agribank Đồng Tháp, cho biết, thời gian tới, ngân hàng sẽ tập trung triển khai cho vay phục vụ phát triển các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh, các ngành hàng chủ lực thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng cho vay các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Mặt khác, Agribank tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương tìm hiểu những mô hình sản xuất hiệu quả chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng để chủ động cung ứng nguồn vốn. Ngoài ra, tuân thủ nghiêm quy trình cấp tín dụng; tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng tín dụng từ khâu thiết lập hồ sơ, thẩm định cho vay và quản lý vốn vay...
Trên cơ sở mục tiêu, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp đã định hướng tăng trưởng tín dụng 15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Nhằm thực hiện đạt được kế hoạch đề ra, ngành Ngân hàng tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường huy động vốn phục vụ nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên, nhất là cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã...
Thường xuyên phối hợp các đơn vị liên tịch, các sở, ngành, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình tín dụng, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về điều hành tăng trưởng tín dụng, ông Phong cho biết, đơn vị đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng tại địa phương tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân và tập trung cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trong quý II/2024, ngành Ngân hàng Đồng Tháp tập trung đẩy mạnh hoạt động cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cho vay các lĩnh vực có thế mạnh tại địa phương, như: lúa gạo, cá tra, trái cây… Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng để hạn chế “tín dụng đen” trong bối cảnh tình hình tài chính kinh doanh của doanh nghiệp, người dân vẫn gặp khó khăn do sức cầu suy giảm.