Niềm vui không kéo dài lâu, VN-Index quay lại đà giảm với 1 phiên giảm hơn 5 điểm. Nhưng đáng chú ý hơn cả, thanh khoản phiên hôm nay (ngày 9/1) chỉ đạt khoảng 8.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Đây là mức thấp kỷ lục trong 14 tháng đã qua.
Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index tiếp tục có nhịp điều chỉnh mạnh sau khi nỗ lực phục hồi vào phiên giao dịch hôm qua. Các ông lớn BID, VCB và CTG từ nhóm ngân hàng đồng loạt giảm gây sức ép lên chỉ số chung, đưa VN-Index về giao dịch dưới ngưỡng 1.250 điểm. Thanh khoản sụt giảm 32% so với cùng thời điểm vào phiên hôm qua cũng phần nào phản ánh trạng thái trầm lắng trên thị trường chung.
Sang tới phiên chiều, chỉ số chung vẫn không tìm lại được sắc xanh trước sức ép giảm giá đến từ nhóm ngân hàng và cổ phiếu HPG. Thanh khoản giao dịch cũng không biến động nhiều tiếp tục phản ánh trạng thái thường thấy của thị trường mỗi khi gần kỳ nghỉ lễ dài ngày. Dù bộ đôi VIC và VHM nỗ lực đỡ chỉ số chung, VN-Index cũng chỉ thu hẹp phần nào mức giảm.
Cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 6/10 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. HDB giảm mạnh nhất (giảm 4,08%) và thanh khoản cao nhất thị trường.
Dòng tiền mất hút, khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt hơn 427 triệu cổ phiếu, tương ứng quy mô giao dịch hơn 8.747 tỷ đồng. Đây là con số rất thấp so với bình quân mức thanh khoảng bình quân 2 năm qua.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với 440 tỷ đồng, tập trung bán các mã STB, VNM, SSI. Chiều ngược lại, khối này mua vào chủ yếu các mã HDB, PAN và FPT.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 126 mã tăng và 263 mã giảm, VN-Index giảm 5,25 điểm (-0,42%), xuống 1.245,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 336,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 7.512,2 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 869,9 tỷ đồng.
Sàn HNX có 65 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,03%), lên 221,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 479,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 150,3 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,5 điểm, tương đương -0,54% xuống 93,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,2 triệu đơn vị, giá trị 399,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,6 triệu đơn vị, giá trị 114,5 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2501 giảm 8 điểm, tương đương 0,6% xuống 1.313,6 điểm, khớp lệnh hơn 186.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.300 đơn vị.
CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, VN-Index tiếp tục giao dịch trong biên 1.240 – 1.250 điểm, với thanh khoản thấp vào thời điểm cận Tết. Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu các mã cổ phiếu không có xu hướng hồi phục trong ngắn hạn tại các nhịp chỉ số bật lên trong phiên của chỉ số chung (hướng lên vùng biên dao động phía trên quanh 1.250 điểm) và duy trì tỷ trọng với những mã cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng hoặc các cổ phiếu vẫn ghi nhận lực cầu mua chủ động mạnh mẽ hơn.