Văn hóa

Du lịch nông nghiệp: Hướng phát triển bền vững của du lịch Quảng Bình

Thanh Loan 11/03/2024 - 17:22

Đối với một địa phương như Quảng Bình, lâu nay du lịch vẫn chú trọng vào khai thác lợi thế di sản của thiên nhiên, nhưng nếu phát triển thêm các loại hình như du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp… thì sẽ mang lại thêm giá trị bền vững. Câu chuyện du lịch nông nghiệp đang được người dân nơi đây có hướng đầu tư bài bản, ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

len-chua.jpg

Khu du lịch nông nghiệp lèn Chùa Ecostay Quảng Bình thu hút 300-400 lượt khách/ngày, riêng dịp lễ, Tết khoảng 2.000-3.000 lượt khách/ngày và cao điểm là hơn 5.000 lượt khách/ngày đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ. Cùng với việc đầu tư mở rộng quy mô khu du lịch, Công ty TNHH TM&DV Huyền Hậu cũng đang đầu tư xây dựng các sản phẩm OCOP sử dụng nguồn nguyên liệu do người dân bản địa làm ra.

Lèn Chùa Ecostay là khu du lịch được UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất xây dựng mô hình thí điểm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, đưa vào danh mục mô hình thí điểm Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP, ngày 14/4/2023. Đây cùng là mô hình du lịch duy nhất của tỉnh Quảng Bình nằm trong danh mục này.

UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phát triển du lịch sinh thái ở nông thôn gắn liền với nâng cao vai trò của cộng đồng ở vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng, với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng tại khu du lịch Lèn Chùa Ecostay. Ngoài ra, sắp tới tại khu du lịch này cũng sẽ được đầu tư xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương.

Những mô hình du lịch tương tự đang được triển khai với chương trình một ngày làm nông dân khi ở thung lũng Bồng Lai, trở thành người nông dân thực thụ khi hòa nhập cùng hệ sinh thái tại làng du lịch Bồng Lai Quảng Bình ở Soi Farm, Duck Stop,... những nông trại rộng được xây dựng dựa trên hình ảnh mộc mạc, giản dị của làng quê Việt Nam.

du-lich-cong-dong-quang-binh.jpeg

Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam: “Người dân đô thị ngày càng mong muốn và yêu thích tìm về với nguyên gốc của cuộc sống tự nhiên, cuộc sống của nông thôn, làng quê và gắn với bản sắc dân tộc. Đây chính là điều kiện để du lịch nông nghiệp phát triển và cũng chính là lợi thế lớn hiện nay của nông dân. Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch sinh thái đã tạo ra những đổi mới mang tính đột phá vừa giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp ở các vùng đô thị, cận đô thị theo hướng sinh thái, bền vững. Để phát triển nông nghiệp du lịch, người nông dân cần phát triển sâu, làm tốt những sản phẩm nông nghiệp mà mình có, giữ gìn bản sắc địa phương, văn hóa, có những sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, đến tập tục truyền thống”.

Cũng theo ông Quỳnh: Muốn làm nông nghiệp du lịch thì cần phải tạo mối liên kết giữa nông dân với nông dân, với tập thể như hợp tác xã. Các cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển nông nghiệp du lịch cũng cần có các biện pháp liên kết người nông dân, hướng dẫn họ cách làm nông nghiệp du lịch, làm sao cho họ hiểu được câu chuyện liên kết mới mang lại nguồn lợi. Câu chuyện du lịch nông nghiệp cũng mang sắc thái câu chuyện du lịch cộng đồng, để những người sinh sống trên nông sản từ nông nghiệp hiểu, liên kết và cùng nhau làm du lịch.

Mô hình du lịch nông nghiệp này ở Quảng Bình hay bất cứ một địa phương khác cần phải có quy hoạch phù hợp, lâu dài. Bên cạnh đó, cần tổ chức quản lý xuất theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Mỗi địa phương có điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng, do vậy trong quá trình thực hiện cần phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển thì mới có thể thành công được.

Để mô hình du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ và chia sẻ lợi ích, lợi nhuận hợp giữa người nông dân và doanh nghiệp có hiệu quả. Nhà nước cần có các giải pháp hữu hiệu, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chính sách, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Ngoài ra, các khâu liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cần có chiến lược cụ thể. Làm sao để người nông dân thấy được lợi ích của mình về nông sản và làm giàu về du lịch ngay trên cánh đồng của mình. Với đặc thù là đất nước có nền sản xuất nông nghiệp, nên câu chuyện đưa nông nghệp vào du lịch là câu chuyện cần được mỗi địa phương phát huy những thế mạnh vốn có của mình. Mỗi địa phương nên nhìn nhận và có quy hoạch thấu đáo và đưa ra phương pháp giúp người nông định hướng cách làm. Có thể mở những lớp tập huấn để người nông dân không bỏ ruộng, bỏ vườn và làm giàu trên quê hương của mình.

Xác định việc phát triển du lịch nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch trong thực hiện các nội dung của ngành Du lịch tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng bình cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá tại các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước. Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế…”.

Mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ riêng gì ở Quảng Bình mà các địa phương trên toàn quốc cần có một hướng đầu tư bài bản, và phải có sự liên kết của với các tour đoàn, bên cạnh đó không đầu tư trùng lặp, sao chép ý tưởng một cách máy móc thì sẽ thu hút một lượng du khách tìm đến và người nông dân sẻ làm giàu trên mảnh đất của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch nông nghiệp: Hướng phát triển bền vững của du lịch Quảng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO