Tin tức

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy định chi tiết các phương pháp định giá đất

M.Đ 15/01/2024 - 15:41

Sáng nay (ngày 15/1), theo chương trình Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời, xin ý kiến thảo luận một số nội dung quan trọng như phương pháp định giá đất, xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014...

cnubkt.jpg

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất các phương án chính sách về các nội dung đã báo cáo, xin ý kiến tập trung thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Phương pháp định giá đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất qua đấu giá

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp (Điều 158), dự thảo luật quy định theo hướng rõ ràng về nội hàm các phương pháp định giá đất trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật đất đai.

Trong đó, quy định cụ thể tại dự thảo luật các phương pháp định giá đất bao gồm: So sánh, thặng dư, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất; lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh. Đồng thời, quy định các trường hợp, điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất.

Phương án được thể hiện tại dự thảo Luật là phương án Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 710/BC-CP. Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết để áp dụng trong thực tế bảo đảm tính khả thi.

Cùng với đó, việc phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định là một trong những điểm lớn được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật Đất đai lần này bỏ quy định về "dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư" (Điều 113 dự thảo Luật theo Tờ trình số 276/TTr-CP).

Điều 79 đã quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, công cộng; Điều 125 đã quy định rõ các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Điều 126 đã quy định về các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; Điều 124 đã quy định về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá, không đấu thầu.

Về quỹ phát triển đất, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng cơ bản giữ quy định tại dự thảo Luật về quỹ phát triển đất tương tự như Luật Đất đai năm 2013, tách biệt quỹ phát triển đất với tổ chức phát triển quỹ đất, không sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, chỉnh sửa quy định về cơ chế hoạt động và nguồn tài chính của quỹ phát triển đất theo hướng rõ ràng hơn và phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Về tổ chức phát triển quỹ đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng: chỉ quy định tại Luật những nội dung mang tính nguyên tắc về tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập để tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất tại địa phương; nguồn tài chính của tổ chức phát triển quỹ đất được phân bổ từ ngân sách nhà nước và ứng vốn từ quỹ phát triển đất; không quy định cụ thể tại dự thảo Luật về chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất mà giao Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, hoạt động, cơ chế tài chính của tổ chức phát triển quỹ đất gắn với định hướng, tầm nhìn, lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức phát triển quỹ đất trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với điều kiện khách quan, chủ quan có liên quan, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về "hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất", bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng ngừa lạm quyền, lợi ích nhóm.

Đối với mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, báo cáo giải trình và tiếp thu của Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng ưu tiên thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc trường hợp thu hồi đất.

Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng ưu tiên người đang có quyền sử dụng đất. Người đang có quyền sử dụng đất có đề xuất dự án đầu tư nếu thuộc trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 79 của Luật này nhưng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và người đang có quyền sử dụng đất đó có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được sử dụng đất để thực hiện dự án mà Nhà nước không thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật này.

Theo Ủy ban Kinh tế, phương án này góp phần đẩy mạnh thực hiện định hướng thương mại hóa quyền sử dụng đất; khuyến khích người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là công tác quy hoạch bảo đảm chất lượng, thực sự là công cụ định hướng của Nhà nước phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ; khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW để điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; phòng tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư do lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất, các nhà đầu tư khác phải liên doanh, hợp tác với các tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, hoặc phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng lại đất từ các tổ chức, cá nhân này.

"Việc sửa đổi như vậy cũng đòi hỏi rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật", Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014

Một trong những điểm đặc biệt quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Ủy ban Kinh tế cho biết, trên cơ sở ý kiến các cơ quan và chính sách đã được thống nhất khi thông qua Luật Nhà ở năm 2023, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉnh sửa theo hướng giữ như quy định của Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi, bổ sung theo Luật số 03/2022/QH15. Theo đó, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp).

Luật Nhà ở đã được Quốc hội biểu quyết thông qua quy định theo hướng dẫn chiếu sang quy định của Luật Đất đai. Tại Thông báo số 3270/TB-TTKQH ngày 11/1/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của UBTVQH về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 29 (tháng 01/2024), UBTVQH đã có ý kiến: Trường hợp cần thiết, Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất ngoài quy định của Luật. Đối với các vướng mắc thực tiễn, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý cụ thể, không luật hóa các quy định mang tính chất xử lý tình huống, hợp thức hóa sai phạm.

Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền.

Theo đó, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm hiệu lực pháp lý của quy định.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo, nội dung này được chỉnh sửa theo hướng: đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước). Đồng thời giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào trong nước.

Cùng với đó, dự thảo cũng giữ quy định của Luật Đất đai năm 2013 về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (Điều 28), đối với các khu vực khác tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai thông qua hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy định chi tiết các phương pháp định giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO